Ngày 10/9/2013, cầu Vàm Cống chính thức được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 271 triệu USD (hơn 6.000 tỷ đồng), bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là cây cầu có số vốn đầu tư lớn nhất miền Tây vào thời điểm đó.
Cầu Vàm Cống được xem là cây cầu có trụ cao nhất cả nước, với chiều cao trụ đạt 150m, tương đương với tòa nhà 50 tầng. Vào những ngày có mây, đỉnh trụ cầu khó có thể nhìn thấy từ dưới cầu.
Cầu Vàm Cống kết nối tuyến QL54 thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, QL80 thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Tổng chiều dài của cầu là 2,97km, trong đó phần cầu vượt sông dài 870m và đường dẫn dài 2km. Cầu được thiết kế với cầu dẫn dùng hệ dầm Super-T và cầu chính dùng kết cấu dây văng – dây cáp kết hợp với dầm thép.
Cầu có quy mô dây văng hai mặt phẳng, với nhịp chính dài 450m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m, bao gồm 4 làn xe ôtô và 2 làn xe máy tách biệt, đảm bảo an toàn giao thông. Phần đường dẫn vào cầu được thiết kế cho tốc độ tối đa 80km/h, và cầu đủ cao để tàu 10.000 tấn có thể chạy qua.
Sau khi hoàn thành, cầu Vàm Cống được xem là mảnh ghép cuối trong dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây. Cầu này, cùng với cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, tạo thành một trục giao thông quan trọng thứ hai bên cạnh QL1, kết nối TP. HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ. Sự kết nối này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang xuống chỉ còn 2 giờ.
Ngày 30/6/2019, sau khi cầu Vàm Cống thông xe được 1 tháng, bến phà Vàm Cống chính thức kết thúc sứ mệnh gần 50 năm nối đôi bờ An Giang và Đồng Tháp.