Theo đó, Seaprodex sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, 10/2 là ngày giao dịch không hưởng quyền, 3/3 là thời hạn lấy ý kiến. Với vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, dự kiến Seaprodex cần 1.188 tỷ đồng để chi trả cổ tức.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 (tỷ lệ 2%), Seaprodex thực hiện chi trả cổ tức và với tỷ lệ khủng nhất. Các cổ đông lớn nhất là: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận gần 753 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hướng công viên nhận 237 tỷ đồng, Công ty Bất động sản Anh Tú nhận 159 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, Seaprodex đạt 1.008 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước (YoY) nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 23,9% YoY.
Tại thời điểm 31/12/2021, Seaprodex có 3.618 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 6,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, nhiều khoản mục trong tổng tài sản có sự biến động lớn. Đó là, khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết giảm 1.225 tỷ đồng, tương đương 64,6% trong khi đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng 1.345 tỷ đồng, tương đương 11.945%.
Nguyên nhân đến từ việc CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) - đơn vị sở hữu thương hiệu Cám Con Cò - trả cổ tức cho các cổ đông và Seaprodex ghi nhận khoản đầu tư vào Proconco theo phương pháp vốn chủ sở hữu giảm 1.216 tỷ đồng từ 1.759 tỷ đồng xuống còn 543 tỷ đồng.
Được biết, Seaprodex đang nắm giữ 22,08% tại Proconco. Cổ đông lớn nhất tại Proconco là Công ty TNHH MNS Feed (MNS Feed) với tỷ lệ sở hữu 75,15%. Đến cuối năm 2021, Tập đoàn Masan đã bán toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi, trong đó có MNS Feed lẫn Proconco cho De Heus của Hà Lan để tập trung vào chiến lược “Point of Life”.
Đóng cửa ngày 21/2, cổ phiếu SEA của Seaprodex đạt 50.700 đồng/cổ phiếu, tăng 20,7% so với đầu năm và giúp vốn hóa đạt 6.338 tỷ đồng.