Sẽ có thêm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội

Nhìn chung, các đối tượng được hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 cơ bản được kế thừa từ quy định của Luật Nhà ở 2014.

Nhà ở xã hội là một phần quan trọng của chính sách an sinh xã hội, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, chưa đủ điều kiện mua, thuê mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Với những ưu đãi về giá bán, giá thuê, lãi suất vay ngân hàng, các dự án nhà ở xã hội luôn thu hút sự quan tâm của người có nhu cầu mua nhà.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Vậy đối tượng mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật gồm những ai?

Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 nhóm như sau:

  • Người có công với Cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với Cách mạng
  • Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn
  • Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu
  • Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị
  • Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân
  • Cán bộ, công chức, viên chức
  • Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở 2014 (người trả lại nhà ở công vụ nếu không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm theo quy định và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng người này có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho thuê, cho thuê mua, mua nhà ở xã hội)
  • Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập
  • Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Tuy nhiên, một trong những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ tạo điều kiện trong việc mở rộng đối tượng được tiếp cận về nhà ở xã hội.

Sẽ có thêm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội

Dẫn tin từ báo Pháp Luật TP. HCM, theo ThS. Ngô Gia Hoàng, giảng viên khoa Luật thương mại Trường Đại học Luật TP. HCM, nhìn chung, các đối tượng được hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 cơ bản được kế thừa từ quy định của Luật Nhà ở 2014.

Trong đó, bổ sung một số đối tượng như thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở, công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang công tác,...

Đối với đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ, Luật Nhà ở 2023 đã loại trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Những điều chỉnh này đã đảm bảo tính bao quát, hướng chính sách về nhà ở xã hội tập trung vào các đối tượng có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở.

Đặc biệt, tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định: Căn cứ điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh có thể quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Họ cũng được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội (khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở 2023). Như vậy, Luật Nhà ở 2023 đã có chính sách mang tính toàn quốc quy định hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở xã hội, không phân biệt khu vực nông thôn hay thành thị.