Rùng mình cảnh hàng quán “bủa vây” trạm biến áp, Trụ - bốt điện bất chấp cảnh báo nguy hiểm

(CL&CS) - Tấm biển cảnh báo với dòng chữ “nguy hiểm chết người” gần như vô tác dụng khi nhiều năm nay, một số người dân sinh sống tại Thủ đô Hà Nội vẫn vô tư sinh hoạt, bán hàng ngay dưới chân những bốt điện hay trạm biến áp.

Trên một số con phố tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những bốt điện hay trạm biến áp đặt ngay trên vỉa hè, gần sát khu dân cư.

Theo khảo sát của PV Chất lượng và cuộc sống, hàng trăm bốt điện, trạm biến áp trên nhiều vỉa hè tại các tuyến phố Hà Nội đã bị nhiều người dân bất chấp tận dụng làm nơi kinh doanh hoặc sinh hoạt.

Không chỉ gây mất mỹ quan, các bốt điện này còn tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao. Tuy vậy, nhiều hàng quán vẫn bất chấp mở và bày bán ngay dưới chân những bốt “tử thần” này. Khách hàng cũng bất chấp hiểm nguy.

Đầu con phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một quán ăn bày bán tràn ra vỉa hè, ngay bên cạnh bốt điện. Bà Nguyễn Phương Thuỳ, một người dân sinh sống tại đây chia sẻ: “Cứ đi một đoạn lại thấy một tủ điện như này, có thấy biển cảnh báo nhưng người ta không để ý, họ chỉ tập trung buôn bán, như vậy rất nguy hiểm".

Quán ăn “bủa vây” trạm biến áp trên phố Hàng Đường.

Tại phố Hàng Mã, nhiều hộ kinh doanh còn tận dụng bốt điện để “biến tướng” chúng trở thành nơi bày bán hàng bất đắc dĩ. Đủ loại mặt hàng buôn bán được để treo lên những bốt điện trên vỉa hè. 

Người mua, người bán thản nhiên giao dịch bất chấp biển cảnh báo “Cấm lại gần, có điện nguy hiểm chết người” hay “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”. Theo một số người dân sinh sống trên địa bàn, hoạt động kinh doanh tại đây xuất hiện đã lâu, chưa được xử lý dứt điểm.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện nhiều tại các khu phố cổ Hàng Đường, Hàng Chiếu, Hàng Lược, Đồng Xuân,... Những bốt điện đều bị người dân tận dụng để treo thức ăn hoặc bày bán hàng quán ngay sát để kinh doanh.

Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, người dân vẫn thản nhiên kinh doanh cạnh trạm biến áp.

Sinh sống tại phường Nghĩa Tân, ông Nguyễn Như Tiến (45 tuổi) lo ngại trước tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ - bốt điện như hiện nay.

"Việc kinh doanh hàng quán trong khu vực trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ nhất là vào thời điểm nắng nóng, thiết bị điện rất dễ bị quá tải, gây chập cháy. Điều này chắc chắn sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người xung quanh" - ông Tiến nói.

Thậm chí tại khu vực sầm uất như phố cổ, hàng quán chiếm dụng những bốt điện để phục vụ việc kinh doanh. Nhiều trạm biến áp bỗng có công dụng thứ hai, được tận dụng làm nơi treo, để đồ đạc.

Nhiều trạm biến áp được tận dụng làm nơi treo, để đồ đạc.

Trước đó, vụ nổ trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 ở phố Hoàng Văn Thụ (Hà Đông, Hà Nội) làm 1 người chết và 4 người bị thương khiến dư luận vô cùng hoang mang. Hay vụ 1 bốt điện tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) phát nổ tuy không thiệt hại về người nhưng cũng khiến người dân ở đây lo sợ.

Tuy nhiên, có vẻ như những vụi nổ trạm biến áp không làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người đang chiếm dụng không gian an toàn cho hành lang lưới điện làm kế mưu sinh.

Theo quan sát của PV, các trạm biến áp trong khu vực hầu hết được treo bảng cảnh báo ghi rõ dòng chữ “Nguy hiểm cấm sờ”. Tuy nhiên, việc đó gần như không phải là điều bận tâm của mọi người. Thậm chí tủ điện, biến áp còn là nơi để các loại quảng cáo, rao vặt tận dụng.

Theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác… đều bị nghiêm cấm.

Việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, trạm biến áp rất quan trọng bởi dòng diện thiếu ổn định rất dễ nguy cơ xảy ra cháy nổ. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn hành lang điện được coi là việc cực kỳ quan trọng.

TIN LIÊN QUAN