Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu

(CL&CS) - Ngày 7/3 tại TP Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương (CEC), Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên (WARM Facility) do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của Việt Nam trước biến đổi khí hậu và thiên tai.

Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững

Tham dự có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển đồng chủ trì hội thảo; Đồng chủ trì có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, cùng 128 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh “Về phát triển đô thị, Nghị quyết 06 đã xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển.

Hội thảo được tổ chức là cơ hội để trao đổi về các cách thức hỗ trợ Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu: tăng cường khả năng chống chịu của các tỉnh, thành phố trước tác động của biến đổi khí hậu, và  cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Sau 35 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong quy hoạch đô thị với tốc độ đô thị hóa ở mức cao (40% năm 2022 so với 30,5% năm 2010), đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: tốc độ phát triển nhanh song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai và con người, năng lực quản lý còn hạn chế. Do đó, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể đảm bảo hài hòa các vấn đề nêu trên nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong những năm tới là triển khai hiệu quả Nghị quyết 148/NQ-CP. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến quan trọng về lượng và chất trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Thực hiện vai trò thường trực trong hợp tác quốc tế lĩnh vực phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè  quốc tế, trong đó có Pháp và các nước khác thuộc Cộng đồng EU. Hội thảo này là một ví dụ về sự hợp tác quốc tế đó”, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Ngài Giorgio ALIBERTI, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Ngài Giorgio ALIBERTI, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Liên minh Châu Âu luôn cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng quỹ WARM, mục đích là để tài trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế có được từ các dự án này góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách theo lĩnh vực với Chính phủ Việt Nam”.

Với lịch sử hợp tác lâu dài 20 năm giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Lyon (Pháp) trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, các chuyên gia đến từ Lyon mang đến hội thảo những kinh nghiệm đã được áp dụng thành công trong quá trình phát triển đô thị bền vững tại Lyon. "Nước Pháp luôn sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với BĐKH, và vì vậy tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp đến từ Lyon sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề đang đặt ra trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu mà hiện nay các tỉnh, thành của Việt Nam đang phải đối mặt", Ngài Nicolas WARNERY, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết.

TIN LIÊN QUAN