Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa - Thực trạng và giải pháp

(CL&CS) - Để đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh chân chính, quyền lợi của người tiêu dùng thì công tác quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) trong bối cảnh giao lưu thương mại, hội nhập toàn cầu hiện nay có vị trí, vai trò quan trọng. Các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều rất quan tâm đến công tác đảm bảo CLSPHH, thể hiện qua vị trí vai trò, thẩm quyền xử lý của hệ thống cơ quan quản lý CLSPHH từ Trung ương tới địa phương của các nước này. Ở nước ta, công tác này đã từng bước được quan tâm, hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật về kiểm tra CLSPHH

Theo quy định của Luật CLSPHH: Kiểm tra nhà nước về CLSPHH (sau đây gọi là kiểm tra CLSPHH) là việc cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá lại CLSPHH, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được đánh giá chất lượng bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đã được áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra nhà nước về CLSPHH (sau đây gọi là cơ quan kiểm tra CLSPHH) là cơ quan được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về CLSPHH thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cơ quan kiểm tra CLSPHH thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật CLSPHH và kiểm tra chất lượng hàng hoá trong xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại Khoản 5 Điều 68 và Khoản 2 Điều 70 của Luật CLSPHH.

 

Cơ quan kiểm tra CLSPHH ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện nay bao gồm Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) mà trực tiếp là Cục Quản lý CLSPHH (QLCL) thuộc Tổng cục TCĐLCL, 02 Chi cục QLCL miền Trung, miền Nam thuộc Cục QLCL và 63 Chi cục/ Cơ quan TCĐLCL thuộc Sở Khoa học  và Công nghệ tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật  CLSPHH và hàng hoá trong nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại Khoản 4 Điều 69 của Luật CLSPHH.

2. Quy định về xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra CLSPHH

  Quyền hạn của cơ quan kiểm tra CLSPHH theo Luật CLSPHH quy định tại điều 46, khoản 3 Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại các điều 30, 36 và 40 của Luật CLSPHH”.

Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm thì  kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra  CLSPHH xử lý vi phạm  theo quy định tại các Điều 30, 36 và 40 của Luật CLSPHH. Theo quy định tại các điều này thì cơ quan kiểm tra chất lượng chỉ có thẩm quyền tạm dừng sản xuất, lưu thông, yêu cầu khắc phục, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

 

Thực trạng hoạt động kiểm tra CLSPHH thời gian qua đã đạt được kết quả, hiệu quả kinh tế xã hội nhất định, góp phần đảm bảo, nâng cao CLSPHH, ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng lành mạnh. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện các vi phạm, thực hiện xử lý theo thẩm quyền là tạm dừng sản xuất, lưu thông, thông tin cảnh báo những hàng hóa có độc hại, yêu cầu tái xuất các lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng, chuyển hồ sơ vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền xử  phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành chính về chất lượng  trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông. Hằng năm, Bộ KH&CN đều có Báo cáo Thủ tướng về tình hình, kết quả kiểm tra CLSPHH.

3. Tồn tại bất cập

- Xử lý theo thẩm quyền của  đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra CLSPHH  thuộc ngành KH&CN khi thực hiện công tác kiểm tra CLSPHH  theo quy định của pháp luật hiện nay không đủ sức răn đe, không đạt hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước.

Theo quy định của Luật CLSPHH, Cơ quan kiểm tra khi thực hiện kiểm tra CLSPHH xử lý vi phạm bằng các hình thức tạm dừng sản xuất, lưu thông, yêu cầu khắc phục, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Việc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý VPHC thường có một số bất cập như không nhận được thông tin đầy đủ về  kết quả xử lý  hoặc cơ quan có thẩm quyền không xử lý vì nhiều lý do khác nhau (ví dụ: cơ quan thụ lý cho rằng hồ sơ  không chặt chẽ, không đủ điều kiện để xử phạt, yêu cầu hồ sơ phải kèm tang vật  vi phạm,…), do đó dẫn đến  xử lý theo thẩm quyền của cơ quan kiểm tra chất lượng không đủ sức răn đe với các vi phạm. Một trong các hình thức được coi là chế tài mạnh của cơ quan kiểm tra là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cũng không có tác dụng vì các cơ sở vi phạm (chủ yếu là nhỏ, lẻ) sẵn sàng  giải thể doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới, đưa ra thị trường sản phẩm hàng hóa thương hiệu mới,…

    - Việc không có thẩm quyền xử phạt VPHC trong quá trình kiểm tra khi  phát hiện vi phạm, nhất là các vi phạm có giá trị xử phạt không lớn, sẽ mất thêm thời gian để chuyển hồ sơ cho cơ quan khác có thẩm quyền xử lý, cơ quan có thẩm quyền xử lý không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nên lại phải thẩm tra, yêu cầu làm rõ,…việc xử lý không đạt hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tính kịp thời theo nguyên tắc xử lý VPHC quy định tại Luật xử lý VPHC.

4. Giải pháp hoàn thiện

Để công tác kiểm tra CLSPHH mang lại hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà  nước tốt hơn, góp phần tích cực vào việc đảm bảo CLSPHH, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, theo tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

1. Rà soát, sửa đổi bổ sung Luật xử lý VPHC. Đây là việc hết sức cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật xử lý VPHC với quy định của pháp luật chuyên ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, trong đó có quản lý nhà nước về CLSPHH. Theo đó, cần bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC cho các cơ quan kiểm tra CLSPHH của ngành KH&CN chưa có thẩm quyền xử phạt VPHC.

    2. Tăng cường các hoạt động khảo sát nắm tình hình CLSPHH, tiến hành kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo  thẩm quyền quy định của pháp luật, thông tin cảnh báo kịp thời theo quy định của pháp luật về hàng hóa không đạt chất lượng.

3. Nâng cao năng lực cho hệ thống cơ quan kiểm tra CLSPHH từ trung ương đến địa phương (Tổ chức bộ máy, nhân lực, đào tạo,  kinh phí, trang bị,…).

    4. Cơ quan kiểm tra chất lượng và các cơ quan liên quan cần thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra CLSPHH theo quy đinh tại quyết định 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng  Chính phủ.

    5. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về CLSPHH của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo CLSPHH./.

Ts Trần Quốc Tuấn

Cục trưởng, Cục Quản lý CLSPHH

 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 

Nên đọc