Cận cảnh tuyến đường sắp được rót hơn 7.000 tỷ để nâng cấp
Sau gần 25 năm đưa vào khai thác, sử dụng tại tỉnh Long An, tuyến quốc lộ 62 (QL62) đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
QL62 đang xuống cấp nghiêm trọng
Việc Quốc hội, Chính phủ thông qua chủ trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL62 là tín hiệu vui, hiện thực hóa đề xuất, kiến nghị của đại biểu, đông đảo cử tri Long An. Điều này góp phần để tỉnh tận dụng hiệu quả vị trí địa lý cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sớm trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của Vùng, trung tâm trung chuyển kết nối các tỉnh thuộc vùng với TP.HCM, Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.
QL62 nằm trong gói dự án nâng cấp, cải tạo ba tuyến quốc lộ tại ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư cả ba tuyến quốc lộ dự kiến hơn 7.100 tỷ đồng. QL62 kết nối QL1 từ TP Tân An qua các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và một phần của huyện Thủ Thừa đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp tiếp giáp Campuchia, dài khoảng 76km.
Tuyến này sẽ được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ sẽ có mặt cắt ngang theo hiện trạng. Đoạn qua thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh (Long An) sẽ được làm mới tuyến tránh.
Với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Long An chớp thời cơ, đón đầu cơ hội phát triển nhờ tuyến QL62
Tận dụng lợi thế từ QL62 thời gian tới, theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, bên cạnh mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, địa phương tiếp tục tập trung tăng tỷ trọng về thương mại dịch vụ. Để làm được điều này, huyện đẩy mạnh thực hiện lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Hiện huyện Tân Thạnh đang thực hiện các thủ tục mời gọi đầu tư hai khu cụm công nghiệp gồm Minh Khang (17,8ha) và Cà Nhíp (75ha)… Đồng thời có những kế hoạch đột phá về chỉnh trang đô thị.
Cũng theo ông Đông: "Để phát triển thương mại dịch vụ thì huyện đang tạo đột phá hạ tầng giao thông. Mở các tuyến đường, tạo quỹ đất, khai thác quỹ đất… để tập trung chỉnh trang phục vụ cho phát triển. Về định hướng đến năm 2025 thị trấn Tân Thạnh sẽ trở thành đô thị loại 4, còn xã Hậu Thạnh Đông cũng sẽ được nâng cấp trở thành thị trấn đô thị loại V".
Theo ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, hiện địa phương có 195 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, bao bì, may mặc... Những nhà máy này giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Địa bàn tỉnh Long An
Tiếp tục tạo sự đột phá về tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao địa phương đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung có triển vọng phát triển lâu dài, phù hợp xu hướng kinh doanh và thị trường mới.
Dự kiến đến năm 2030, Long An sẽ có 6 trục giao thông động lực. Ngoài ra, tỉnh sẽ hoàn thành nâng cấp, xây dựng 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu, 29 tuyến đường tỉnh kết nối nội tỉnh và các địa phương trong vùng. Trong đó khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, QL62 được kỳ vọng sẽ là "đòn bẩy" giúp vùng trũng Đồng Tháp Mười thêm cơ hội vươn lên, bứt phá mạnh mẽ.