Tôi thăm Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình trong không khí thiêng liêng của những ngày cận kề Quốc khánh. Sự oi ả của những ngày cuối hè dường như không thể cản bước những con người yêu nước. Mới đầu tuần nhưng lượng người đến viếng Lăng Bác vẫn rất đông. Có những người đã vượt hàng ngàn kilômét, những em nhỏ, những cụ già... không ngại ánh nắng chói chang, vẫn trang nghiêm, lần lượt xếp hàng. Tất cả đều chung một khát khao được đến thăm và chiêm ngưỡng nơi từng ghi dấu ấn lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Đứng giữa Quảng trường Ba Đình, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa bầu trời, tôi như được trở về những năm tháng lịch sử hào hùng của 79 năm về trước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, khắp các nẻo đường, con phố ở thủ đô Hà Nội đều rợp bóng cờ hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên được không khí và bối cảnh tại Quảng trường Ba Đình trong ngày lễ Độc lập năm ấy. Một biển người đứng chật kín quảng trường, rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vì Người muốn gửi một thông điệp không chỉ đến dân tộc Việt Nam mà còn đến toàn thế giới. Thông điệp ấy gửi gắm đến một thế giới đang chuyển mình sau khi chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt.
Trong phần cuối của bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam tự giành lại, phù hợp với nguyên lý của nhân loại. Đó là một hiện thực không thể đảo ngược được".
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một kiệt tác về tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một văn kiện lập quốc vĩ đại, đặt nền tảng pháp lý trực tiếp và đầy sức thuyết phục cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới.
Theo các tài liệu, Quảng trường Ba Đình trước đây vốn là khu vực cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi có nhiều làng nghề buôn bán sầm uất. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn, hay còn gọi là Rond Point Puginier. Tên gọi này được đặt theo tên của một vị linh mục người Pháp.
Bác sĩ Trần Văn Lai (sau này đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội), trước đây vốn là Thị trưởng TP. Hà Nội (từ ngày 20/7-19/8/1945), là người rất say mê lịch sử dân tộc. Ông dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đã đổi tên Rond Point Puginier thành Quảng trường Ba Đình.
Ông đặt tên này vì cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp vào những năm cuối thế kỷ XIX tại căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Đinh Công Tráng và các đồng đội của mình đã chọn vùng đất thuộc ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Ba làng này đều có một ngôi đình, từ đình làng này có thể nhìn thấy ngôi đình của hai làng kia, vì vậy nó được gọi là căn cứ Ba Đình. Nơi đây ghi dấu sự chiến đấu anh dũng của dân ta dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng chống lại một đội quân viễn chinh lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác của họ trên đất Việt Nam dưới thời Đệ Tam Cộng hòa Pháp.
Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của quân và dân Việt Nam đã thành công rực rỡ. Cách mạng Tháng Tám không chỉ đánh dấu sự chấm dứt của hàng nghìn năm chế độ phong kiến mà còn xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Vào thời điểm này, nhiều địa điểm đã được cân nhắc để tổ chức Lễ Độc lập. Cuối cùng, Quảng trường Ba Đình đã được chọn làm nơi diễn ra buổi lễ lịch sử này.
Ngày nay, Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam với hơn 32.000m2. Khuôn viên có chiều dài 320m và rộng 100m, đủ sức chứa lên đến 200.000 người. Với con số này, sức chứa của Quảng trường Ba Đình gấp 5 lần Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Quảng trường có các ô cỏ lớn bốn mùa xanh tươi, xen giữa các ô cỏ là lối đi rộng 1,4 m. Ngay chính giữa quảng trường là cột cờ cao 25m, nơi trở thành một không gian thiêng liêng của thủ đô Hà Nội, nhất là vào các dịp Lễ Độc Lập hay những buổi lễ chào cờ diễn ra thường xuyên vào thứ Hai đầu tuần.
Quảng trường còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Đây là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ sau khi Thủ đô được giải phóng. Đó cũng là nơi từng tổ chức những cuộc họp Chính phủ, Quốc hội và Trung ương Đảng quan trọng.
Ngày 9/9/1969, cả nước đã nghẹn ngào và xót xa truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và người cha già của dân tộc, buổi lễ cũng diễn ra tại nơi đây.
Trải qua bao năm tháng lịch sử thăng trầm, Quảng trường Ba Đình đã trở thành mảnh đất thiêng ghi lại những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ, cùng với những kiến trúc tâm linh hiện hữu như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ... Quảng trường Ba Đình cũng là một địa điểm tham quan và vui chơi của du khách cũng như người dân Hà Nội.
79 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử đó, Quảng trường Ba Đình vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và văn hóa. Đây vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là nơi có quy hoạch, cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội.