Ngày 10/8, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện trên địa bàn với tốc độ lây lan nhanh, số lượng gia súc mắc bệnh chết ngày càng tăng khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề.
Theo đó, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện trên địa bàn Quảng Ngãi từ đầu tháng 3. Sau 5 tháng, dịch lây lan ra 9.599 cơ sở chăn nuôi nông hộ của 612 thôn, 146/173 xã, phường, thị trấn thuộc 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tổng số bò mắc bệnh là 17.820 con (chiếm tỷ lệ 6,3% tổng đàn); trong đó, chết 786 con, chiếm ty lệ 4,4% tổng số bò mắc bệnh; ước thiệt hại về chi phí điều trị và số bò chết hơn 37,4 tỷ đồng.
Huyện Bình Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, với 5.115 con bò mắc bệnh, 366 con chết, thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Trọng Phương, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục ở Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính trong 10 ngày (từ ngày 20/7 đến 30/7), tổng số bò mắc bệnh 2.919 con, chết 162 con, ước thiệt hại hơn bốn tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có hơn 16 con bò bị chết, thiệt hại hơn 400 triệu đồng.
Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, các đơn vị chức năng của tỉnh và các địa phương phối hợp, hướng dẫn các hộ chăn nuôi khoanh vùng, cách ly điều trị khỏi bệnh cho gần 4.500 con bò. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phân bổ 6.825 lít hóa chất để các địa phương tiêu độc, khử trùng các ổ dịch và các hố chôn tiêu hủy bò chết.
Với diễn biến dịch như hiện nay, nếu không có giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn nữa thì khả năng dịch lây lan hết số trâu, bò còn lại chưa tiêm phòng hơn 281,4 nghìn con.
Mặc dù bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã có vaccine phòng rất hiệu quả nhưng đây là vaccine nhập khẩu, giá thành bán lẻ cao (40.000 đồng/liều), quy cách 25 liều/lọ, nên mua một lọ vaccine phải mất 1 triệu đồng. Vì vậy, người chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó khăn trong việc tự mua vaccin
Do vậy, các địa phương cần hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập hợp theo từng nhóm tự bỏ kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho gia súc, hoặc vận động hộ chăn nuôi có điều kiện chia sẻ vaccine cho những hộ nuôi nhỏ lẻ, có hoàn cảnh khó khăn.
Các hội, đoàn thể, nhất là hội nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền cho hộ chăn nuôi thấy lợi ích khi tiêm vaccine cho gia súc là ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.