Ngày 26/7, Sở Y tế Quảng Nam cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra thêm hai vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến món cá ủ chua do người dân tự làm để ăn.
Theo đó, vụ ngộ độc thứ nhất xảy ra tại thôn 2 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn). Ngày 21/7, anh Hồ Văn Nguyên (36 tuổi) ăn cơm trưa cùng với vợ là chị Hồ Thị Hia (24 tuổi) và hai người bạn tại phòng trọ của mình ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng).
Sau khi dùng bữa trưa, đến 19h cùng ngày, chị Hia bắt đầu nôn, khó thở, đại tiểu tiện khó và được đưa đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Đến ngày 24/7 sau khi bệnh không thuyên giảm và có tiến triển nặng hơn, bệnh nhân bị khó thở, nhìn mờ, bụng trướng... nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Một người khác cũng bị ngộ độc là anh Hồ Văn Đèo (22 tuổi). Sau khi ăn cơm cùng với vợ chồng anh Nguyên ở Đà Nẵng, đến sáng ngày 22/7 anh nôn nhiều lần, người mệt, đau đầu, đau họng, choáng, không ăn uống được.
Sau đó, anh được bạn chở từ Đà Nẵng về huyện Phước Sơn vào Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn điều trị. Tại đây anh được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày. Đến ngày 24/7 bệnh nhân mệt, ăn uống kém, nhìn mờ, bụng trướng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị cho đến nay.
Theo điều tra ban đầu, bữa ăn trưa là nguyên nhân gây ngộ độc có món cá niên do anh Nguyên tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ (thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) tự ủ chua và một số món khác.
Tiếp theo là vụ ngộ độc thứ 2, thành viên 14 tuổi của một gia đình gồm 7 người tại thôn 4 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Trong bữa trưa của gia đình ngày 23/7, có món cá thập cẩm (cá niên, cá rô, cá trắng) tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ về ủ chua.
Đến tối cùng ngày, em Hồ Văn Q. (một thành viên trong gia đình) kêu đau đầu, buồn nôn, nôn 5 lần, choáng, người mệt mỏi. Trong ngày 24/7, em Q. không ăn uống được, buồn nôn, nôn nên được đưa vào Khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để theo dõi và điều trị. Các thành viên còn lại trong gia đình không có triệu chứng bất thường.
Trước đó, vào tháng 3/2023, trên địa bàn huyện Phước Sơn đã xuất hiện 10 trường hợp ngộ độc do ăn món cá ủ chua. Vụ ngộ độc khiến 1 người chết, nhiều người nhập viện. Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam. Đoàn chuyên gia đã mang theo 5 lọ thuốc giải độc Botulinum (rất quý hiếm) của bệnh viện ra Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.