PNJ cho biết ngày hoàn tất đợt chào bán là 30/3, số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Ngày 30/3, cổ phiếu PNJ đóng cửa ở mức 108.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu phát hành riêng lẻ có giá thấp hơn 12,3% so với thị giá. Đợt phát hành này giúp vốn điều lệ tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 2.426 tỷ đồng.
Mới đây, PNJ có tờ trình đại hội đồng cổ đông được tổ chức vào 16/4 tại TP.HCM về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, PNJ sẽ phát hành 82.000.687 cổ phiếu, tỷ lệ 3:1 cho cổ đông. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PNJ dự kiến tăng lên 3.282 tỷ đồng.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết, trong điều kiện môi trường kinh doanh khắc nghiệt với thời gian giãn cách xã hội tạm ngưng kinh doanh kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11/2021, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã rời khỏi thị trường hoặc kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, PNJ đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất và cán đích năm với doanh thu tăng trưởng 11,6% so cùng kỳ năm trước (YoY) và lợi nhuận gần tương đương cùng kỳ 2020.
Mảng kinh doanh cốt lõi bán lẻ của PNJ tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu bán lẻ của PNJ tiếp tục ngược dòng, tăng trưởng 10,5% YoY, góp phần giúp PNJ chiếm lĩnh và củng cố vị trí số 1 về thị phần bán lẻ trang sức ở Việt Nam. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ theo đó tăng mạnh, chiếm 58,4% tổng doanh thu cả năm của công ty.
PNJ đã chủ động phát triển hệ thống mạng lưới cửa hàng theo chiều sâu trong năm 2021, chủ yếu tập trung khai thác thêm các địa điểm có vị thế tốt, đón đầu xu hướng hồi phục sau dịch của thị trường cùng với tối ưu hóa doanh thu trên mỗi cửa hàng.
Trong năm 2021, PNJ mở mới 20 cửa hàng Gold, 1 cửa hàng STYLE và đóng 21 cửa hàng (đa phần là PNJ Silver) để tái cơ cấu hệ thống bán lẻ với các cửa hàng có vị trí đắc địa hơn và chi phí thuê tốt hơn. Tại thời điểm cuối năm 2021, PNJ có tổng số 342 cửa hàng.
Lợi nhuận gộp đạt trên 3.598 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% YoY. Biên lợi nhuận gộp đạt 18,4%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong một năm khó khăn do đại dịch, giãn cách xã hội và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh; phản ánh sự quyết liệt trong kinh doanh, hiệu quả và nội lực của toàn công ty.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết thêm, bất chấp việc gần như mất trọn doanh thu và chịu nhiều thiệt hại trong quý 3/2021, PNJ vẫn kiên định với việc theo đuổi chính sách không giảm thu nhập nhân viên, giữ nguyên các chế độ phúc lợi và tăng cường hỗ trợ các nhân sự cùng gia đình bị nhiễm bệnh, gặp khó khăn. Bằng các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả vận hành, kinh doanh, tỷ lệ tổng chi phí vận hành/doanh thu năm 2021 vẫn được duy trì tương đương so với 2020. Năng suất lao động năm 2021 bật tăng 19% YoY và đạt mức cao nhất kể từ 2015. Đây là một dấu mốc rất đáng khích lệ, kết quả của sự chung sức đồng lòng của đội ngũ nhân sự PNJ để vượt qua nhữn áp lực chưa có tiền lệ từ đại dịch Covid-19.
Định hướng kế hoạch kinh doanh năm nay, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, với tinh thần F5 - REFRESH mạnh mẽ, PNJ quyết tâm phát bứt phá, tăng tốc phát triển các năng lực chiến lược, kiện toàn bộ máy và cơ chế nhằm duy trì vị thế công ty bán lẻ trang sức số 1 thị trường Việt Nam. Công ty sẵn sàng với các thách thức tiềm ẩn và tiếp tục vươn xa hơn trong năm 2022.
Theo đó năm 2022, PNJ đặt mục tiêu doanh thu tăng 32,2% YoY, lợi nhuận sau thuế tăng 28,2% YoY lần lượt đạt 25.835 tỷ đồng và 1.320 tỷ đồng. Cổ tức năm 2022 dự kiến tiếp tục duy trì ở mức 20% như năm 2021 vừa qua.