Một mảnh đất, 2 nguồn gốc đất?
Vào thời điểm đầu năm 2020, bà Ngô Thị Liên (ngụ tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã đại diện cho hàng chục hộ dân bị đền bù “0 đồng” khi vướng vào dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bàu của Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh đưa PV đi thực địa khu vực đất bị thu hồi mà người dân cho rằng họ đang bị cướp quyền sử dụng đất một cách trắng trợn.
Bà Liên bức xúc nói: “Năm 2010, gia đình tôi nhận được quyết định số 4262/QĐ –UBND của UBND huyện Phú Quốc về việc thu hồi 12.255,30m2 do ông Nguyễn Thanh Tùng (PCT UBND huyện Phú Quốc) ký, trong khi gia đình tôi vẫn đang sinh sống, canh tác ổn định nhiều năm trở về trước. Biết được việc thu hồi đất để phục vụ cho dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Vũng Bàu sẽ góp phần thay đổi tích cực bộ mặt du lịch, kinh tế của địa phương nên tôi và nhiều hộ gia đình tại xã Cửa Cạn cũng chấp hành ủng hộ doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, niềm vui chưa đến thì tôi đã rất bất ngờ khi trong tổng số diện tích hơn 12.000m2 đất bị thu hồi thì gia đình tôi chỉ nhận được phần tiền của gần 5.000m2, còn phần đất hơn 7.000m2 đất còn lại thì bị liệt vào danh sách… đất rừng đặc dụng và không được đền bù theo khung giá đất của địa phương”.
Cũng theo bà Liên, điều bà thấy bất ngờ nhất và chi tiết khiến bà cũng như hàng chục hộ gia đình tại xã Cửa Cạn hiện đang “vướng” vào dự án trên là việc chỉ cùng một lô đất nhưng lại được xác định nguồn gốc đất làm 2 khu vực?.
Bà Liên đứng cạnh mảnh đất 12.000m2 của mình nhưng lại bị "xẻ" đôi nguồn gốc đất. |
Cụ thể, phần đất bên trái với diện tích nhỏ thì được xác định nguồn gốc là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và được đền bù còn phần đất rộng gần gấp đôi nằm ngay bên cạnh, không hề có ranh giới, mốc giới thì lại bị liệt vào danh sách đất rừng đặc dụng và bị niêm yết mức giá… 0 đồng.
Điều này khiến bà Liên và nhiều người dân tại xã Cửa Cạn đặt ra nghi vấn khi cho rằng quy trình xác minh nguồn gốc đất tại UBND xã Cửa Cạn và UBND huyện Phú Quốc đang “có vấn đề” theo hướng có lợi, “bắt tay” với doanh nghiệp để thu hồi đất của người dân trái thẩm quyền?
Trao đổi về nguồn gốc đất của gia đình mình, bà Liên cho biết mảnh đất rộng hơn 12.000m2 đó là được gia đình bà mua gom của 2 hộ dân từ nhiều năm về trước và có lịch sử sử dụng ổn định, nộp thuế sử dụng đất hàng năm theo đúng quy định của nhà nước mà không hề có vấn đề gì xảy ra. Chỉ khi có dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bàu của Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh thì bà và gia đình mới “được biết” mình đang sử dụng đất rừng phòng hộ của nhà nước và bị áp giá 0 đồng để phục vụ cho dự án của doanh nghiệp…
Chưa có câu trả lời thỏa đáng, đất đã bị quây tôn, chiếm dụng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Cửa Cạn không chỉ có một hộ gia đình của bà Ngô Thị Liên “vướng” vào dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bàu của Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh mà còn hơn 10 hộ gia đình khác cũng đang trong diện “0 đồng” khi bị thu hồi đất, tổng diện tích lên tới hàng trăm nghìn m2 đất.
Những mảnh đất của người dân chưa thống nhất được phương án đền bù, hỗ trợ nhưng đã bị chủ đầu tư quây tôn, ngăn cấm không được canh tác. |
Theo chân bà Ngô Thị Liên – người được 18 hộ dân khiếu nại về giải quyết đất đai ủy quyền và một số hộ dân khác vào thăm những mảnh đất đã được UBND huyện Phú Quốc giao cho Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh làm dự án, tại thời điểm PV ghi nhận, toàn bộ những lô đất (bao gồm những lô đất đang bị khiếu nại do chưa đền bù thỏa đáng cho 18 hộ dân) đã bị quây hàng rào thép kín, thậm chí ở một số khu đất, chủ đầu tư còn xây dựng barie chắn không cho người dân vào thăm đất.
“Họ lập barie chắn nhiều năm rồi, những lô đất này trước đây là nơi sinh sống của chúng tôi, sau họ thu hồi chúng tôi không đồng ý với phương án đền bù nhưng cũng không làm gì khác được. Mặc dù có nhiều hộ gia đình chưa nhận một đồng tiền đền bù, hỗ trợ nào nhưng vẫn phải chuyển ra nơi khác sinh sống, mưu sinh. Thậm chí, có nhiều hộ gia đình bị thu hồi tới hơn 10.000m2 đất nhưng chỉ nhận được chưa tới…30 triệu đồng tiền hỗ trợ hoa màu, cả gia đình họ sống nhờ canh tác nông nghiệp nhưng hiện tại cũng không thể làm gì khác để ổn định cuộc sống”, bà Dương Thị Kiều Bé (xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) chia sẻ cùng PV.
Gia đình bà Dương Thị Kiều Bé bị thu hồi 9.000m2 đất, sau khi được kiểm đếm và đo đạc bồi thường thì được chia làm 3 phần. Trong đó, hơn 8.000m2 đã được đền bù hỗ trợ theo khung giá nhà nước, gần 1.000m2 còn lại lại bị áp mức giá 0 đồng. Sau đó, năm 2015 gia đình bà Bé đã gửi đơn khiếu nại, phản ánh tới UBND Tỉnh Kiên Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang và đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh để có câu trả lời thỏa đáng nhưng đã nhiều năm trôi qua, gia đình bà và 17 hộ gia đình còn lại cũng không nhận được bất kỳ câu trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án…
Trước những dấu hiệu trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của các hộ dân, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ những sai phạm trong quá trình thu hồi, sử dụng đất đai tại dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bàu của Công ty TNHH May thêu - Thương mại Lan Anh, đặc biệt cần làm rõ việc có hay không việc “bắt tay”, lợi ích nhóm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giữa doanh nghiệp và các cán bộ có thẩm quyền.
Quỳnh Anh