Vào năm 2001, tại làng Kim Sa, thuộc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, một nhóm xây dựng đã phát hiện nhiều cổ vật dưới lòng đất trong quá trình thực hiện dự án. Ngay sau đó, các công nhân trong nhóm đã thông báo vụ việc cho cảnh sát và các chuyên gia về di sản văn hóa địa phương.
Sau khi được thông báo, cảnh sát và đội khảo cổ đã nhanh chóng đến và yêu cầu phong tỏa hiện trường để tiến hành khai quật các báu vật. Theo thông tin từ Sohu, địa điểm này ở làng Kim Sa được xác định thuộc triều đại nhà Thương và nhà Chu của Trung Quốc.
Trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã phát hiện hàng nghìn công cụ làm từ đá quý, đồ gốm, vàng và các di vật văn hóa khác. Điều đặc biệt hơn cả là họ đã tìm thấy một lượng lớn ngà voi, ước tính hơn 1.000 chiếc.
Trong quá trình kiểm tra, họ nhận thấy một số chiếc ngà vẫn còn nguyên vẹn, trong khi một số khác đã được chạm khắc. Kỹ thuật chạm khắc của người xưa tinh tế đến mức khiến các chuyên gia có mặt ở hiện trường đều phải kinh ngạc.
Từ phát hiện này, họ có thể xác định rằng từ hàng nghìn năm trước, trong xã hội Trung Quốc, ngà voi đã được coi là một vật phẩm thủ công quý giá. Thậm chí từ với các tư liệu lịch sử, các chuyên gia tin rằng ngà voi từ thời nhà Thương và nhà Chu phải là một vật hiến tế đặc biệt và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các nghi lễ cúng tế xa xưa.
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập ngà voi, một số chuyên gia đã phát hiện rằng màu sắc của chúng sau khi được khai quật bỗng trở nên đậm hơn, khác biệt rất nhiều so với trạng thái ban đầu. Từ điểm này, họ kết luận rằng khi ngà voi được đưa ra khỏi lòng đất, bề mặt của nó đã bị oxy hóa.
Nhận thấy rằng công nghệ trong lĩnh vực khảo cổ học và bảo tồn di tích văn hóa tại thời điểm đó không thể giải quyết triệt để vấn đề về oxy hóa, các chuyên gia đã ngay lập tức đề nghị nhân viên chôn lại toàn bộ số ngà voi được tìm thấy xuống đất để bảo vệ và bảo tồn chúng.
Hành động này giúp đảm bảo rằng di vật văn hóa này không bị tổn hại và vẫn giữ được giá trị ban đầu. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là công việc khai quật đã đạt được một phần nhưng buộc phải dừng lại. Những người không liên quan cũng đã được yêu cầu rời khỏi địa điểm.
Cho đến ngày nay, di tích văn hóa ngà voi ở di chỉ Kim Sa vẫn chưa được khai quật lại. Nguyên nhân là do vấn đề oxy hóa của ngà voi chưa được giải quyết hoàn toàn. Nếu toàn bộ các di vật ngà voi này được đưa ra ngoài, sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bảo tồn di vật.
Hơn nữa, những di vật văn hóa quý giá như vậy đóng vai trò như bằng chứng lịch sử. Bất kỳ hư hại nào cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Vì vậy, số ngà voi này vẫn được bảo tồn trong lòng đất, đợi các chuyên gia liên quan phát triển các công nghệ hiện đại hơn để bảo vệ chúng một cách tốt nhất.
Trong tương lai, với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, có lẽ, nhiều bảo vật quý giá trong quá khứ sẽ có thể xuất hiện trở lại và cho thế giới những câu trả lời về những bí mật của lịch sử vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
*Theo Baidu, Sohu