Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Tinh thần vì xã hội, vì cộng đồng của ngành Ngân hàng cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ!”

(CL&CS)- Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã biểu dương ngành ngân hàng trong năm 2021 đã chủ động, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ cho DN và người dân, đặc biệt tích cực tham gia vào các chương trình an sinh xã hội. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tinh thần vì xã hội, vì cộng đồng của ngành cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ…

Gần 35 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, ngành ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời đã tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, DN, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế.

Theo đó, đến nay, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020, tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,44%; 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các ngân hàng TW giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại (NHTM) có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng; 04 NHTM nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; Từ 15/7/2021 đến 30/11/2021, tổng số tiền lãi giảm lũy kế của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết. NHCSXH thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng...

Đến nay, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7; áp dụng chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng. Nhiều TCTD triển khai thêm các gói sản phẩm dịch vụ “phí zero” hoặc kèm các điều kiện duy trì số dư bình quân để được miễn phí. Đến nay, tổng số tiền phí đã giảm cho khách hàng khoảng trên 2,5 nghìn tỷ đồng.

NHCSXH cũng đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc theo Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 68/NQ-CP và gần nhất là Nghị quyết 126/NQ-CP.

Ngoài ra, trong năm 2021, ngành ngân hàng đã triển khai các gói hỗ trợ đặc thù như tái cấp vốn cho các TCTD cho vay Tổng Công ty hàng không Việt Nam với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh ĐBSCL nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu ...

Phát huy vai trò huyết mạch...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nhắc lại những kết quả nội bật của ngành ngân hàng trong năm 2021. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, NHNN đã chủ động, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ cho DN và người dân.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành Ngân hàng dành hơn 5 nghìn tỷ đồng ủng hộ cho các chương trình an sinh xã hội trên toàn quốc, trong đó dành trên 3,2 nghìn tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Đây là sự sẻ chia, đồng hành rất có ý nghĩa, mong rằng tinh thần vì xã hội, vì cộng đồng của ngành tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới…”- Phó Thủ tưởng kỳ vọng.

Trong phát biểu của mình Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một loạt những những tồn tại, hạn chế mà ngành ngân hàng cần tập trung khắc phục.

Cụ thể là, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển tích cực trong thời qua, tuy nhiên việc điều hành chính sách tiền tệ còn thiếu tính chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, quy mô, mức độ an toàn vốn, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các TCTD trong nước còn hạn chế so với các nước trong khu vực; việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn một số bất cập; trong đó còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN và toàn ngành cần tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN cũng cần chủ động bám sát tình hình quốc tế, trong nước, sẵn sàng ứng phó với những biến động, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro của nền kinh tế cũng như các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng cần tiếp tục phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu DN của các TCTD, giảm thiểu rủi ro hệ thống. Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn. Đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ.

Cùng với đó, ngành ngân hàng cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ là tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực và có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.

"Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đã được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó"- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN