Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngân và một số bộ, ngành.
Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cơ bản đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác với nhiều kết quả nổi bật, như: Lần đầu tiên ngành công khai danh sách đơn vị chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; số hóa các báo cáo kiểm toán gửi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…
Tổng Kiểm toán Nhà nước kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo để cụ thể hóa và triển khai các Nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Kết quả kiểm toán đến ngày 15.12.2023, Kiểm toám Nhà nước kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng…
Về công tác Đảng, Đảng ủy đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đoàn kết, thống nhất, cộng sự cao, gương mẫu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các mặt công tác theo kế hoạch đề ra. Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là kiểm toán viên có bản lĩnh chính trị, có đạo đức trong sáng, văn hóa ứng xử, tác phong làm việc chuyên nghiệp, tạo nhiều chuyển biến tích cực…
Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 là “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030 và Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27.10.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Kiểm toán Nhà nước xác định phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 bảo đảm đúng tiến độ. Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2024 bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương và đánh giá cáo kết quả Kiểm toán Nhà nước đạt được trong năm 2023; cho rằng, toàn ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới toàn diện, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, điều hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán. Công tác phối hợp tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao vị thế, vai trò của Kiểm toán Nhà nước và góp phần vào thành công trong hoạt động của toàn ngành trong năm 2023. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý cũng đã được Kiểm toán Nhà nước quan tâm thực hiện… Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế của Kiểm toán Nhà nước, như tính chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn; chất lượng một số phần mềm ứng dụng; nội dung, phương pháp, chất lượng kiểm toán còn bất cập so với yêu cầu ngày càng cao; chất lượng đội ngũ còn chưa đồng đều, một số kiểm toán viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tư duy tổng hợp, khả năng phân tích, đánh giá, kiến nghị chính sách…
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức với kinh tế Việt Nam và thế giới. Do đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước, tập thể Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra.
Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước đã đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ năm 2024 bảo đảm tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán từ kế hoạch kiểm toán đến triển khai hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán. Tiếp tục đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo quy định…
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tin tưởng, Kiểm toán Nhà nước sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân giao phó.
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trao Huân chương lao động hạng Nhì tặng nguyên Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VII Đào Thị Thu Vĩnh; nguyên Phó Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước Khu vực III Huỳnh Thị Kim Dung.
Tin và ảnh: Trung Thành