Phát triển thị trường tài chính xanh là xu hướng tất yếu

(CL&CS)- Ngày 31/10, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, khách quan và không thể đảo ngược của thế giới. Với mục tiêu phát triển kinh tế thịnh vượng, bảo vệ môi trường bền vững và đảm bảo an toàn xã hội, nhiều quốc gia đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đến nay, đã có hơn 50 quốc gia xây dựng chiến lược phát triển xanh.

TS Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đến tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Bên cạnh chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình hành động liên quan đến chuyển đổi xanh như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Việt Nam cũng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia các sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới".

Tại COP26, có 147 quốc gia đã cam kết đạt "Phát thải ròng bằng 0" (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI và tính đến hết năm 2022 đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp theo đó vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Quang cảnh hội thảo 

Song hành với Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII...

Ông Lê Xuân Sang cho rằng, phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính… Do đó, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp. “Chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi, dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng”- Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam TS Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế vào cuối năm 2023 (từ mức 3,33% vào năm 2018). Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 40%). Tỷ trọng tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có dư nợ tín dụng xanh cao thứ hai vào năm 2023, tương ứng 30% tổng dư nợ tín dụng xanh… cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường tài chính xanh, Việt Nam cần một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh cùng các chính sách ưu đãi rõ ràng nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh.

Một số chuyên gia đề xuất Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các mô hình tài chính xanh hiệu quả từ quốc tế, áp dụng các thông lệ tốt nhằm thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong nước, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.