Qua hơn 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và hơn 9 năm thực hiện Kết luận số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, bền vững; kinh tế - xã hội có bước phát triển nhanh; sinh kế, đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trung bình giai đoạn 2011 - 2021 của vùng ĐBSCL cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt trên 10%; quy mô công nghiệp ngày càng được mở rộng; tỷ trọng đóng góp công nghiệp trong GRDP toàn vùng tăng từ 15,5% năm 2011 lên 21,6% năm 2020. Giai đoạn 2004 - 2020, nông nghiệp ĐBSCL liên tục tăng trưởng phát triển vượt bậc, khẳng định là vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hiện đại gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra, trái cây. Thủy sản của vùng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quốc gia luôn duy trì vị trí xuất siêu của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng biến đổi khí hậu; suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên; số lượng và chất lượng lao động còn hạn chế; một số chỉ tiêu kinh tế chưa thật sự chuyển biến hợp lý...
Trên cơ sở nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua, Trung ương đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến; xem năng lượng tái tạo là nền tảng gắn với sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất; phát triển chuỗi đô thị sông nước, gắn với các trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái...
Đóng góp tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL cần xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên tư duy kinh tế vùng. Trong đó có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trên nền tảng phát huy tiềm năng vùng, đồng thời đi kèm với các điều kiện về giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Để thực hiện mục tiêu này cần có các giải pháp về xây dựng quy hoạch, phát triển logistics; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân thực hiện chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời có chính sách khuyến khích người nông dân hướng đến sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc thù nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, của vùng.