Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

(CL&CS) - Vừa qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành sức mạnh của quốc gia, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; rút ngắn khoảng cách tụt hậu, đồng thời duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững. Đây cũng là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức; là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Quang cảnh hội thảo

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...

Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực, trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nguồn nhân lực đã được ban hành khá đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện; bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực từng bước được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ vậy, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng..., góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hoạt động đào tạo ở nhiều nơi còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn, chất lượng đào tạo chưa cao, cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý. Hiện nay, chúng ta vẫn đang thiếu lao động trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao, phục vụ phát triển số, đồng thời dư thừa lao động thủ công; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi và đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, thiếu kỹ thuật, công nhân lành nghề…

Cùng với các bài tham luận của các tác giả gửi đến hội thảo, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia đang công tác tại các cơ quan Trung ương và địa phương đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến trực tiếp, qua đó làm sáng tỏ cơ sở lý luận, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực, những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; phân tích, dự báo những tác động, thách thức của bối cảnh mới hiện nay và đưa ra định hướng phát triển, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu kết luận hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổng kết lại những ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, đã tập trung phân tích, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề của hội thảo.

Đồng chí khẳng định, ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học, góp phần định hướng cho công cuộc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở Việt Nam trong thời gian tới. 

TIN LIÊN QUAN