Phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo

(CL&CS) - Chiều 27/8, UBND Quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) và Ban sưu tầm biên soạn Địa chí Bắc Từ Liêm tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di sản văn hoá Bắc Từ Liêm, Làng Khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị Di sản văn hoá, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”.

Hoạt động có ý nghĩa thiết thực

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Quốc khánh 2/9 và hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, đội ngũ nhân lực văn hóa trao đổi, học tập kinh  nghiệm và tìm các giải pháp thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương, quận có 136 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, 26 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp TP…

 Quang cảnh hội nghị

Trong đó, phường Đông Ngạc là địa danh tiêu biểu trong hệ thống di sản văn hóa tại quận Bắc Từ Liêm. Đình Đông Ngạc còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị như 1 tấm bia thủy tạ, 1 bia hậu thần, 1 bia Dương Hòa thứ nhất (1635), 1 quả chuông niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1832), 45 đạo sắc phong…

“Thời kỳ phong kiến, Đông Ngạc là một làng nổi tiếng của Thăng Long với 22 người đỗ tiến sĩ qua các triều đại… Bên cạnh đó, Đông Ngạc còn lưu giữ những hương ước, quy ước của làng xã, gia phả, các dòng họ xưa để lại cho thế hệ sau bảo tồn và phát huy” - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.         

Khẳng định quận Bắc Từ Liêm có nhiều yếu tố thuận lợi, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chuyên đề số 05–CĐ/QU ngày 28/12/2016 về phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa trong ngành kinh tế du lịch của quận. Nhờ đó, những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế về phát triển triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm đang phát huy hiệu quả.

Bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Quận Bắc Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/4/2014 với diện tích 43,35km² gồm 13 đơn vị hành chính và dân số 320.414 người. Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sau 10 năm thành lập, quận Bắc Từ Liêm vượt lên bao khó khăn thử thách, luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, từng bước xây dựng quận trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch UBND quận cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, kinh tế của quận duy trì mức độ tăng khá, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2014, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận ở mức 16.189 tỷ đồng (theo giá so sánh), đến năm 2023, kinh tế quận đã có bước tăng trưởng nhanh và mạnh, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu (theo giá so sánh) ước đạt 63.275,6 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn trung bình là 16,8%. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2014 - 2023 đạt trên 38.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2023 đạt trên 13.000 tỷ đồng...

Quận Bắc Từ Liêm với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, ghi dấu ấn phát triển của người Việt cổ với hệ thống dày đặc các Đình, Đền, Chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia. Các di tích nổi tiếng như Đình Nhật Tảo, Đình Thượng Cát, Đình Hoàng…, Chùa Chèm, Chùa Vẽ, các đền thờ danh nhân như đền thờ Đỗ Thế Giai, đền thờ họ Phạm, các lễ hội nổi tiếng như hội bơi đăm tại làng hoa Tây Tựu…

Đình Đông Ngạc hay còn gọi là Đình Vẽ, là nơi lưu giữ biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến và khoa cử

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô” là định hướng lớn của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn Quận Bắc Từ Liêm.

Quận Bắc Từ Liêm hiện tại là khu đô thị mới của thủ đô Hà Nội với vóc dáng hiện đại, khang trang, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với chất lượng cao. Bắc Từ Liêm gồm phần nằm trong khu nội đô mở rộng từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ được quy hoạch là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Đặc biệt khu vực này có khu đô thị Tây Hồ Tây là nơi đặt trung tâm hành chính mới, khu đô thị Ngoại giao đoàn là nơi 13 đại sứ quán làm trụ sở đều thuộc địa phận phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; khu mở rộng phía nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 thuộc địa phận các phường như Liên Mạc, Thụy Phương, Tây Tựu, Minh Khai, Phúc Diễn… là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ, hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Khu vực này sự phát triển các công trình trọng điểm sẽ bám theo các trục đường giao thông chính như đường 32, đường Hồ Tây-Ba Vì, đường Tây Thăng Long, đường 70, đường Vành đai 3,5, Vành đai 4... ngoài các khu dân cư hiện hữu như hiện này các khu đô thị, các khu dân cư mới sẽ lần lượt được ra đời.

Tuy nhiên, việc khai thác di sản văn hóa, phát triển kinh tế du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo trên địa bàn Quận Bắc Từ Liêm còn gặp nhiều thách thức về cơ chế, nhận thức, cách thức tổ chức triển khai tại cơ sở…

Góp ý giải pháp để thúc đẩy du lịch văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hoá Du lịch, Trường Đại học Thủ đô đề nghị, cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử văn hóa của quận. Đồng thời khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành tour du lịch đường sông đặc sắc.

“Trong khu vực, quận Bắc Từ Liêm cần coi trọng không gian văn hóa của cư dân vùng ven sông Hồng, nơi có nhiều nền tảng giá trị cốt lõi từ thời kỳ văn minh Văn Lang – Âu Lạc, mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng dân cư ven kinh đô Thăng Long xưa. Vì vậy, nên chọn khu vực Đông Ngạc (làng khoa bảng của Thăng Long xưa) cùng với đình Chèm (di tích quốc gia đặc biệt) để xây dựng một không gian văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng về văn hóa của Bắc Từ Liêm.

Trong không gian văn hóa lịch sử đó có đủ vốn văn hóa để các nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học, kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm văn hóa du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách. Đây thực sự là không gian tốt để thực hiện các lĩnh vực công nghiệp văn hóa” - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho hay.

Để phát huy tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Thị Thu Hương đề nghị, thời gian tới các phòng, ban chuyên môn thuộc quận, chính quyền và nhân dân cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống quản lý di tích quận và phường. Tăng cuờng hiệu quả quản lý Nhà nước từ cấp cơ sở. Không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về vai trò và giá trị để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích.

Tổ chức tổng kiểm kê toàn bộ di tích trên địa bàn quận; Tiến hành số hóa dữ liệu quản lý, phiên âm dịch nghĩa các tư liệu Hán Nôm trong các di tích lịch sử văn hóa để quản lý, giới thiệu tới Nhân dân và du khách.

Bên cạnh đó, cần tiến hành lập dự án quy hoạch tổng thể các di tích. Gắn công tác quản lý với công tác phát triển du lịch tại một số di tích có giá trị tiêu biểu trên địa bàn đặc biệt là di tích đình Chèm. Tiếp tục giải quyết tồn tại của các di tích đang gặp vướng mắc. Tập trung gắn biển di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm trên địa bàn...

Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-02-2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Do đó, thành phố Hà Nội luôn chú trọng gắn kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Để nâng cao hiệu quả sự gắn kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, thời gian tới, UBND quận Bắc Từ Liêm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, cần có các giải pháp tích cực và đồng bộ hơn, cụ thể như:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, về tầm nhìn xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” gắn với truyền thống văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến; qua đó nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, cảm hứng sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển trong đội ngũ cán bộ và mỗi người dân Hà Nội cũng như toàn xã hội, cộng đồng, hướng tới xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hai là, nâng cao hiệu quả việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chú trọng lồng ghép yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hoàn thiện cơ chế, chính sách (chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế…), tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển các không gian sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có thế mạnh. Nghiên cứu, chọn lựa trọng tâm và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.

Ba là, xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo tại Hà Nội, tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của Thủ đô. Hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phát triển không gian sáng tạo, nhất là các không gian sáng tạo hoạt động vì mục đích cộng đồng để tăng cường kết nối sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng và giàu giá trị hơn.

Bốn là, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực và thu hút tài năng trong thiết kế sáng tạo. Triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội tạo sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo. Tổ chức tuần lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm, quảng bá những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ Hà Nội và trên toàn cầu. Tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ và tạo cơ hội cho những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ với các ngành công nghiệp văn hóa.

Năm là, tích cực và chủ động tham dự các hội nghị, diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn cầu. Tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á tại Hà Nội. Khai thác hiệu quả năng lực sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa và sáng tạo trong đời sống, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của Hà Nội, tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hội thảo "Di sản văn hoá Bắc Từ Liêm, Làng Khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị Di sản văn hoá, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo” là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề thực tiễn nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ giúp địa phương triển khai các kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là một trong số những nội dung quan tâm của các GS, PGS, TS, các nhà khoa học đang thực hiện công tác biên soạn địa chí Bắc Từ Liêm.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030, quận Bắc Từ Liêm hướng tới xây dựng đô thị “xanh, sạch, văn minh, hiện đại” của Thủ đô, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với phát huy truyền thống anh hùng của địa phương.

Thời gian tới, quận Bắc Từ Liêm hướng tới mục tiêu trở thành đô thị “xanh, sạch, văn minh, hiện đại” của Thủ đô Hà Nội, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với phát huy truyền thống anh hùng của địa phương. Đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn quận ngày càng được nâng cao; quốc phòng được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN