Ngày 27/8, tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Tonga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi một cảnh báo khẩn cấp về tình trạng mực nước biển ở khu vực này đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Thực trạng này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu công bố tại hội nghị.
Với thông điệp mạnh mẽ, ông Guterres tuyên bố mình đến hội nghị để "gửi đi tín hiệu SOS toàn cầu - cứu lấy biển cả của chúng ta" và nhấn mạnh rằng "một thảm họa toàn cầu đang đẩy Thái Bình Dương vào tình thế nguy hiểm".
Một nghịch lý đã được đưa ra phân tích tại hội nghị là những đảo quốc nhỏ bé nằm giữa Thái Bình Dương này, dù có dân cư thưa thớt và hầu như không có ngành công nghiệp nặng, chỉ đóng góp chưa tới 0,02% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu mỗi năm. Thế nhưng, nơi đây lại là những người đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Những hòn đảo núi lửa và san hô nhỏ bé đang đối mặt với hiểm họa lớn từ sự xâm lấn của đại dương trong hành lang nhiệt đới này.
Theo dữ liệu từ các máy đo thủy triều lắp đặt trên các bãi biển Thái Bình Dương từ đầu những năm 1990, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã phát hiện mực nước biển tại một số khu vực trong vùng đã tăng tới 15cm trong vòng 30 năm qua, so với mức tăng trung bình toàn cầu chỉ 9,4 cm.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với các đảo quốc Thái Bình Dương. Việc giảm thiểu ô nhiễm khí hậu là yếu tố quyết định cho tương lai của khu vực này, đặc biệt khi Nam Thái Bình Dương đang đối mặt với mối nguy từ mực nước biển dâng cao.
Theo Liên Hợp Quốc, phần lớn cư dân khu vực này sống trong phạm vi 5km từ bờ biển. Mực nước biển dâng cao đang dần lấn chiếm đất đai quý giá và làm ô nhiễm nguồn thực phẩm cùng nguồn nước sinh hoạt của họ.
Không chỉ vậy, nước biển ấm lên còn làm gia tăng các thảm họa thiên nhiên dữ dội hơn, trong khi quá trình axit hóa đại dương đang từ từ phá hủy các rạn san hô – mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn biển.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng các thành phố ở 20 quốc gia giàu nhất – nơi phát thải 80% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính đang đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao, đe dọa các trung tâm dân cư lớn. Trong vòng 30 năm qua, những thành phố như Thượng Hải, Perth (Úc), London, Atlantic City (New Jersey), Boston, Miami và New Orleans đều ghi nhận mực nước biển tăng hơn 50% so với mức trung bình toàn cầu.
Đặc biệt, New Orleans dẫn đầu với mực nước biển tăng 26cm (tương đương 10,2 inch) từ năm 1990 đến 2020. Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo về trận lũ lụt kinh hoàng tại thành phố New York trong Siêu bão Sandy năm 2012, trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng từ mực nước biển dâng.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã mô tả tình trạng này là "hỗn loạn khí hậu" và kêu gọi các quốc gia giàu có đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm lượng phát thải carbon, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2023, các quốc gia phát triển vẫn có kế hoạch sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch gấp đôi so với mức cần thiết vào năm 2030, vượt xa mục tiêu giảm thiểu toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Guterres, bày tỏ hy vọng rằng các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ "lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng hơn" tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới. Ông mong muốn những quốc gia này có thể truyền tải thông điệp cấp bách về mực nước biển dâng cao và cùng thúc đẩy giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này.