Xử lý kịp thời những tình huống phát sinh
Thực tiễn cho thấy, Chủ tọa muốn điều hành tốt quá trình thảo luận tại kỳ họp phải tập hợp và xử lý thông tin từ thực tiễn hoạt động của địa phương. Trên cơ sở những kênh thông tin thu nhận được trước và trong quá trình diễn ra kỳ họp, Chủ tọa xác định rõ nội dung với những trọng tâm chủ yếu cần thảo luận. Gợi ý rõ những việc cần tập trung trao đổi; những nội dung cần có sự thống nhất; những vấn đề cần xác định đúng, sai và hướng bổ sung, điều chỉnh.
Trong điều hành, đặc biệt lưu ý xử lý những tình huống phát sinh như: Trường hợp quá ít hoặc không có đại biểu đăng ký phát biểu, Chủ tọa đặt vấn đề và gợi ý thêm một số nội dung cần thảo luận; đồng thời nhắc nhở trách nhiệm, động viên đại biểu tham gia thảo luận. Khi cần thiết, có thể chỉ định và yêu cầu đại biểu thể hiện chính kiến của mình. Trường hợp còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, trong khi vấn đề cần thảo luận cơ bản đã được thống nhất, làm rõ hoặc thời gian thảo luận không thể kéo dài thêm, Chủ tọa xin ý kiến HĐND kết thúc hoặc tạm dừng thảo luận. Những ý kiến còn lại của đại biểu có thể ghi bằng văn bản chuyển đến thư ký kỳ họp để nghiên cứu, tổng hợp và xử lý.
Trường hợp có sự xung đột, gay cấn, Chủ tọa nghiêm túc, khách quan; có bản lĩnh và luôn thể hiện được chính kiến rõ ràng; đồng thời thiện cảm, chân thành với đại biểu; bình tĩnh và lắng nghe đầy đủ những ý kiến khác nhau để khuyến khích, động viên đại biểu thẳng thắn thể hiện chính kiến của mình.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tọa kết luận, tóm tắt những điểm chính, vấn đề trọng tâm, nổi bật, những vấn đề đã thống nhất, phù hợp với thực tiễn làm cơ sở cho HĐND quyết định những chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Đồng thời, đề nghị UBND nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương tiếp thu, có các giải pháp áp dụng, triển khai vào quá trình chỉ đạo, điều hành của ngành, của địa phương. Đối với những vấn đề đại biểu thấy chưa thỏa đáng, đề nghị đại biểu tiếp tục nghiên cứu và đăng ký phát biểu thảo luận trước khi HĐND biểu quyết thông qua.
Kiến thức và bản lĩnh trong các kết luận
Chất vấn và trả lời chất vấn là phiên họp thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân, đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp. Để làm rõ nguyên nhân, tìm được giải pháp khắc phục thiếu sót, hạn chế đối với những vấn đề đặt ra, điều hành của Chủ tọa cần hướng việc hỏi và trả lời đi vào đúng trọng tâm và truy vấn đến cùng những vấn đề đặt ra.
Chủ tọa linh hoạt, gợi mở và tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia truy vấn; yêu cầu các thủ trưởng cơ quan liên quan tham gia trao đổi, trả lời làm rõ những vấn đề liên quan ngành phụ trách. Chủ tọa điều hành hướng vào trọng tâm vấn đề; điều tiết thời gian và liều lượng nội dung của người hỏi và người trả lời hợp lý; có chính kiến, quan điểm cụ thể, rõ ràng, công tâm, khách quan đối với từng vấn đề. Trường hợp câu hỏi của đại biểu thuộc sự vụ, sự việc cụ thể, hoặc người trả lời chưa nắm chắc vấn đề, chủ tọa điều hành linh hoạt cho trả lời bổ sung bằng văn bản.
Khi không khí nghị trường có phần im ắng, Chủ tọa khích lệ tinh thần đại biểu, trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và truy vấn. Ngược lại, khi nghị trường quá “nóng”, hoặc chất vấn đi sai mục đích, Chủ tọa kịp thời “hạ nhiệt” hoặc yêu cầu dừng lại, tránh gây ấn tượng không tốt với cử tri và Nhân dân.
Kết thúc từng phần chất vấn - trả lời chất vấn và cả phiên họp này, kết luận của Chủ tọa nhấn mạnh những nội dung được và chưa được, đặc biệt yêu cầu rõ trách nhiệm ngành chức năng và mốc thời gian hoàn thành đối với những bất cập đại biểu đặt ra liên quan đến công tác quản lý, điều hành. Đây là cơ sở quan trọng để HĐND theo dõi việc thực hiện những nội dung hậu chất vấn và trả lời chất vấn để sớm có những chuyển biến tích cực trên thực tế.
Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri, để những vấn đề hậu chất vấn và trả lời chất vấn sớm được triển khai trên thực tế. Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của Chủ tọa trong đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn. Gồm: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân và trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.