Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” lại được phát huy mạnh mẽ hướng về các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ. Chia sẻ kịp thời, hỗ trợ khẩn cấp
Chiều 10/9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ phát động.Các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3. Tại Lễ phát động, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 407 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 3 gây ra và hoàn lưu bão gây mưa lớn tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ đồng bào các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3 và khắc phục hậu quả do mưa lũ, giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công đoàn Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Đồng Nai, Bình Dương... cũng quyên góp hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.
Trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, sáng 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định hoãn họp Thường trực Chính phủ để đi chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bắc Giang.
Sau khi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại xã Tiên Sơn và Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trưa 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với tỉnh Bắc Giang, họp trực tuyến với điểm cầu Trụ sở Chính phủ, tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đang diễn ra nghiêm trọng.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, chỉ đạo, tổ chức, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả nội dung 5 công điện mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 9/9 về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc tình hình, dự báo tình hình thiên tai, mưa lũ; khuyến cáo người dân và các cấp, các ngành phương án ứng phó. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang kiểm soát vùng thượng lưu, giảm lưu lượng xuống các hồ đập, giảm nguy cơ quá tải các hồ đập. Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ huy tại hiện trường; các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo, vấn đề vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế và các cháu học sinh sớm được đến trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Ngày 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng; Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái...Chia sẻ với người dân các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chuyên môn, kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp, đơn vị có chuyên môn về hạ tầng công chính đến hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Theo đó, Tổng Công ty Điện lực Thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh bố trí lực lượng có chuyên môn, kỹ thuật nhanh chóng đến các tỉnh, thành phố phía Bắc, kịp thời hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, bảo đảm theo tinh thần hỗ trợ và chấp hành theo sự điều động của lãnh đạo các địa phương.
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, khoảng 21 giờ ngày 10/9, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử; tại Phú Thọ lên mức báo 2.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,30m, trên báo động 3 là 1,30 m vào tối 10/9; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 20,40 m, dưới báo động 3 là 0,10 m, vào đêm 10/9. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; sông Thương tiếp tục lên chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm ở dưới mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 2. Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở dưới mức báo động 2.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống diễn biến phức tạp của mưa lũ. Tất cả được thực hiện với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.Từ sáng 10/9, Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn lưu thông trên cầu Chương Dương; từ 15 giờ ngày 10/9 cấm người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu Long Biên.
Nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực ven sông Hồng tại địa chỉ ngõ 46 và ngõ 139 Chương Dương Độ (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.Với phương châm, an toàn của người dân là trên hết, trước hết, các địa phương để chủ động di dời hàng ngàn hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tỉnh Yên Bái di dời hơn 12.000 hộ; Phú Thọ 215 hộ; Bắc Giang 2.600 hộ…
Về công tác khắc phục sự cố cầu Phong Châu, Phú Thọ, theo lãnh đạo Quân Khu 2, lực lượng quân đội đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị sẵn sàng lắp đặt cầu phao bắc qua sông phục vụ đi lại của người dân. Cùng với đó, việc tìm kiếm các nạn nhân trong sự cố sập cầu đang được các lực lượng quân đội khẩn trương tìm kiếm; trong đó tập trung lực lượng dò tìm ở hai ven sông, ven đê và bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 18 giờ ngày 10/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 127 người chết, 54 người mất tích, 764 người bị thương.
Bão số 3 và mưa lũ cũng gây nhiều ảnh hưởng trên diện rộng về sản xuất nông nghiệp với 162.828 ha lúa, 29.543 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 15.959 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.582 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.174 con gia súc, 732.321 con gia cầm bị chết…