Sau nhiều tháng điều tra thông qua việc thiết lập khu vực giám sát các loài động vật quý hiếm, các chuyên gia động vật học đã ghi nhận các dấu chân, phân thải, bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của đàn bò tót xuất hiện trong rừng Vườn quốc gia Phước Bình ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Ông Não Duy Pháp, Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn thiên nhiên - Vườn Quốc gia Phước Bình, cho biết các chuyên gia thực hiện điều tra thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống quan trắc từ tháng 10/2023.
Đàn bò tót được phát hiện khi sử dụng phương pháp điều tra theo tuyến, điểm, lắp đặt bẫy ảnh chụp, quay phim giám sát liên tục trong nhiều tháng. Các địa điểm ghi nhận sự hiện diện của đàn bò tót hoang dã cũng được thông qua quan sát trực tiếp và gián tiếp.
Các chuyên gia ghi nhận có hai đàn ở tuyến suối Gia Nhông. Đàn thứ nhất khoảng 4-6 con, trong đó một bò nhỏ. Đàn thứ hai có 3-4 bò tót trưởng thành. Tại tuyến suối Đá Đen, đoàn điều tra phát hiện thêm một đàn chừng 6-7 con trưởng thành.
Kết quả trên tiếp tục khẳng định rừng Phước Bình có đàn bò tót với số lượng lớn nhất trong các rừng đặc dụng của Việt Nam như một số tài liệu đã công bố. Đại diện vườn cũng cho biết thêm, vườn sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn săn bắn động vật hoang dã trái phép; kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính thực hiện giám sát, bảo tồn trong thời gian tới.
Năm 2009, Vườn quốc gia Phước Bình ghi nhận một bò tót đực nặng gần một tấn, xuất hiện liên tục trong khu rẫy gần bìa rừng ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình. Con bò tót này húc bò đực nhà, giao phối với các bò cái của người dân. Cho đến lúc chết ăm 2014, nó đã để lại hơn 20 con lai với đặc tính hoang dã, vóc dáng to lớn. 10 bò lai F1 được cơ quan chức năng mua để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Bò tót còn gọi là con gaur, là động vật thuộc họ trâu bò (Bovidae), lông màu sẫm và kích thước lớn, sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Chúng nằm trong sách đỏ, được luật pháp bảo vệ và cấm săn bắn. Tại Việt Nam, ngoài rừng Ninh Thuận, bò tót còn xuất hiện ở Quảng Trị, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai...
Đợt điều tra còn ghi nhận sự tồn tại của nhiều cá thể động vật thuộc loại nguy cấp, quý hiếm như: vượn đen má vàng, đàn chà vá chân đen, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, mang, Tê tê Java, heo rừng... với số lượng lớn.
Vườn quốc gia Phước Bình có tổng diện tích khoảng 25.000ha, địa hình trải dài ở độ cao từ 300-2.000 m so với mực nước biển, giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Đây là một trong hai vườn quốc gia của tỉnh Ninh Thuận có vị trí đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học khi có hơn 1.338 thực vật và 347 động vật, hàng chục loài nằm trong sách đỏ. Với sự đa dạng sinh học, rừng đang là điểm du lịch sinh thái thu hút đông du khách đến trải nghiệm, tham quan, nghiên cứu.