Nữ sinh Nghệ An tử vong sau 10 ngày mắc bệnh bạch hầu, cách ly hơn 100 người tiếp xúc gần: Triệu chứng và con đường lây truyền cần biết

Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, người bệnh có nguy cơ tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, vào sáng ngày 8/7, đại diện từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã thông báo về trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại địa phương. Nạn nhân là một nữ sinh 18 tuổi, tên P.T.C, sinh sống tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Nữ sinh Nghệ An tử vong sau 10 ngày mắc bệnh bạch hầu (Hình minh họa Internet)

Trước đó, vào ngày 24/6, bệnh nhân C bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và đau họng. Tự điều trị bằng cách mua thuốc Tây và thuốc Nam, nhưng tình trạng không cải thiện. Dù đã nỗ lực chữa trị tại nhà, bệnh nhân vẫn không khỏi và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vào đêm ngày 30/6, bệnh nhân C nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn trong tình trạng mệt mỏi, da và niêm mạc nhợt nhạt, sốt 37,8°C kèm theo ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân còn có triệu chứng sưng vùng cổ bên phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm hai bên, amidan to có dịch mủ, giả mạc trắng bám trên amidan và lưỡi gà dễ bóc tách. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu.

Ngày 3/7, tình trạng bệnh của C trở nên nghiêm trọng hơn với nhiệt độ cơ thể lên tới 39°C, ho và đau họng dữ dội, khàn tiếng, nói khó và nuốt đau. Bệnh nhân ăn uống kém, sưng hạch góc hàm hai bên, sưng đau vùng cổ bên phải, không khó thở và không nôn. Mạch đập 85 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg, niêm mạc họng loét đỏ, sưng nề với nhiều tổ chức loét thâm, hoại tử. Amidan vẫn to và giả mạc trắng bám chắc trên amidan và lưỡi gà, dễ chảy máu.

Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn, biến chứng viêm cơ tim do bạch hầu, theo dõi đợt cấp suy thận mạn, rối loạn đông máu, và giảm tiểu cầu.

Vào lúc 23 giờ 50 phút ngày 4/7, gia đình bệnh nhân đã xin xuất viện và đưa bệnh nhân về nhà. Chẩn đoán lúc xuất viện là theo dõi bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 5/7, trên đường về nhà, bệnh nhân C đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An về trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã nhanh chóng cử một đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm. Những mẫu này sau đó được chuyển đến Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm và chẩn đoán. Ngày 5/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông báo từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, tác nhân gây bệnh bạch hầu.

Qua quá trình điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 119 người đã tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Thông tin trên tờ Vnexpress cho biết, hiện 119 người này đã được cách ly.

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh bạch hầu

Thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh này được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Cụ thể, người mắc bệnh bạch hầu thường phát triển những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt mỏi, da có thể có màu xanh xao và chán ăn. Sau khoảng 2-3 ngày, bệnh nhân có thể xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc này thường dai, dính và dễ chảy máu, đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Biểu hiện bệnh bạch hầu (Hình minh họa Internet)

Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân cũng có thể gặp khó thở và nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc lan xuống từ hầu họng, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể gây liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động. Trường hợp nặng hơn, bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Con đường lây truyền

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp khi người bệnh hoặc người nhiễm vi khuẩn bạch hầu ho, hắt hơi, đặc biệt trong các khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh, hoặc thông qua tiếp xúc gián tiếp với những đồ vật mà người bệnh đã tiếp xúc và có dính chất bài tiết.

Hình minh họa (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da tổn thương, gây ra bệnh bạch hầu da. Sau khi nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác trong vòng khoảng 2 tuần. Đây là lý do vì sao việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh bạch hầu rất quan trọng, đặc biệt là trong các môi trường có rủi ro cao về lây nhiễm.