Vật liệu có khả năng tiêu diệt ung thư
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh và các cộng sự tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tạo ra một loại vật liệu composite mới từ các hạt nano oxit sắt siêu thuận từ (SPIONs) và hydroxyapatit (HAp). Nhờ khả năng tăng nhiệt từ tính và dẫn thuốc, vật liệu này khi mang thuốc chống ung thư 5-FU có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bàng quang.
Vật liệu này được gọi là "lai siêu thuận từ", gồm lõi SPIONs được bao bọc bởi HAp với các lỗ xốp mang thuốc bằng phương pháp hấp phụ. Vật liệu này hoạt động như một nền tảng cố định, giúp giải phóng cục bộ các loại thuốc chống ung thư.
Khi kết hợp với đồng (Cu) và 5-FU, vật liệu này sẽ được đưa vào cơ thể. Dưới tác động của từ trường ngoài, các hạt nano SPIONs sẽ tạo ra nhiệt từ tính, giải phóng thuốc điều trị và tiêu diệt tế bào ung thư.
Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh chia sẻ, thành công của nghiên cứu nằm ở việc chứng minh được tác dụng hiệp đồng giữa kỹ thuật tăng thân nhiệt từ tính và các tác nhân chống ung thư, giúp phá hủy tế bào ung thư. Vật liệu này có khả năng tiêu diệt tới 75% tế bào ung thư.
Lai siêu thuận từ là một thành công nối dài trong hành trình nghiên cứu công nghệ tiên tiến của Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh, hướng tới tìm ra các vật liệu mới ứng dụng trong y khoa.
Ngay từ năm 2010, nhóm nghiên cứu của bà đã theo đuổi việc tạo ra vật liệu từ các nền tảng y sinh truyền thống, với ưu điểm của hydroxyapatit (HAp) là khả năng tương thích sinh học. HAp ở dạng bột có thể được dùng làm thực phẩm bổ sung canxi và ở dạng màng phủ trên các hợp kim y sinh để làm nẹp vít. Nhóm cũng tạo ra composite từ HAp và poly axit lactic (PLA) để làm nẹp tự tiêu.
Đến năm 2020, ý tưởng tạo composite từ HAp và các hạt nano oxit siêu thuận từ SPIONs nảy sinh trong quá trình hợp tác nghiên cứu với các đối tác Ba Lan.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của bà đang tiếp tục hợp tác với Ba Lan để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn trên động vật, cũng như thử nghiệm với các loại thuốc điều trị ung thư khác như ung thư buồng trứng và ung thư gan theo cùng cơ chế.
Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nghiên cứu từ cơ bản sang ứng dụng có khi mất cả cuộc đời. Do đó, bà Mai Thanh cho rằng trước tiên phải phát triển nghiên cứu cơ bản để định hướng, khi đã phát triển tốt sẽ là cơ sở tiến tới ứng dụng.
Nữ Giáo sư đứng sau sự thành công của "lai siêu thuận từ"
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh (sinh năm 1974, quê quán Hải Dương) là Cử nhân Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà sở hữu bằng Tiến sĩ ngành Hóa lý - Hóa phân tích tại Trường Đại học Paris VI, Cộng hòa Pháp.
Năm 2011, bà được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngành Hóa học.
Từ năm 2016, bà gắn bó với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, bắt đầu với vai trò Phó Hiệu trưởng. Từ tháng 9/2018 đến tháng 7/2019, bà là Quyền Hiệu trưởng của trường.
Hiện tại, bà là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đồng thời giữ chức vụ đồng Chủ tịch Hội đồng Nội trị và Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường.
Bà cũng là nghiên cứu viên cao cấp, Bí thư Chi bộ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần. Ngoài ra, Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh cũng kiêm nhiệm giảng dạy tại Học viện Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trước đó, bà từng làm việc tại Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại - Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam...
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh đã công bố 189 bài báo khoa học, trong đó có 54 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống SCIE, 4 bài trong hệ thống ESCI và 9 bài trong hệ thống Scopus. Bà cũng đã được cấp 1 bằng sáng chế độc quyền tại Việt Nam, xuất bản 3 sách chuyên khảo và 2 sách tham khảo tại các nhà xuất bản uy tín.
Trong quá trình công tác, bà đã nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen, bao gồm Giải thưởng Thanh niên năm 2005, Giải thưởng UNESCO-L'OREAL Vietnam National Fellowship for Women in Science năm 2010, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...