Đây là kết quả của quá trình tái cơ cấu dài hơi gần 6 năm vừa qua sau thời kỳ hậu “Trầm Bê”. Ông Dương Công Minh đưa Sacombank trở lại đường đua khi tham gia Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ 30/6/2017 đến nay.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank trong 6 năm vừa qua giảm dần đều và về mức dưới 1% từ quý 3/2022. Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng này cũng tăng trở lại và vượt mốc 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2022.
Sacombank vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2022, ngân hàng đạt 591.994 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 13,58% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 454.740 tỷ đồng, tăng 6,4%; cho vay khách hàng đạt 438.628 tỷ đồng, tăng 13,07%.
Tổng nợ xấu đạt 4.299 tỷ đồng, giảm 24,86% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,98%, giảm khá nhiều ở so với mức 1,47% của đầu năm 2022.
Trong quý 4/2022, Sacombank đạt 7.833 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 69,7% so cùng kỳ năm trước (YoY). Chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 10,2% YoY (246 tỷ đồng) nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng 209,1% YoY (2.224 tỷ đồng) nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ tăng 65% YoY, đạt 1.899 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, Sacombank đạt 26.141 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 47,7% YoY. Chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 12,5% YoY (1.214 tỷ đồng) nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng khá lớn 148,6% YoY (5.283 tỷ đồng).
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% YoY. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.041 tỷ đồng, tăng 47,8% YoY giúp lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.459 đồng. Như vậy, lợi nhuận đạt được trong năm 2022 là cao nhất từ trước đến nay.
Với lợi nhuận ấn tượng, cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng giá 20,4% trong tháng 1/2023. Đóng cửa phiên 31/12/2023, STB đạt 27.100 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa ngân hàng này cán mốc 51.089 tỷ đồng.