Ngày 10/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND quyết định về việc cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh. Số kinh phí cấp đợt 1 là 180 tỷ đồng.
Cụ thể, 6 huyện được hỗ trợ 20 tỷ đồng là Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô. 3 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí) và 2 thị xã (Đông Triều, Quảng Yên) lần lượt được hỗ trợ 10 tỷ đồng.
Đây là kinh phí bổ sung để các địa phương sử dụng cùng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 9/9, UBND tỉnh ban hành công văn số 2606/UBND-KTTC.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục thiệt hại và phòng chống mưa lũ sau bão số 3.
Trong đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với phương châm tập trung cứu người là trên hết, trước hết. Trước mắt, các lực lượng tập trung vào công tác tìm kiếm người mất tích trên biển.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ, ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở để thông báo đến nhân dân biết, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình, địa hình, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao để có biện pháp xử lý, di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để tổng hợp báo cáo trước mắt thống kê ngay số người bị mất nhà ở; số người phải tạm cư nhiều ngày tới; số người diện cứu trợ khẩn cấp (lương thực, nước uống, thuốc men, quần áo...) chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân được đảm bảo có môi trường sống an toàn, hợp vệ sinh trước mắt và lâu dài.
Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh chỉ đạo việc khẩn trương sửa chữa hệ thống đường dây, cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; khắc phục các thiệt hại, để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp sớm nhất; đảm bảo cung ứng nước sạch để phụ vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc sử dụng ngân sách để sửa chữa, khắc phục các công trình bị hủy hoại, hư hỏng phải khắc phục, sửa chữa, thay thế; đồng thời, thực hiện rà soát các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh hiện có để tổ chức hỗ trợ ngay cho người dân; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ nghiên cứu Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau cơn bão, trong đó, sẽ có các chính sách hỗ trợ đặc thù chưa có trong các quy định hiện hành, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật...
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh ước tính thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngay trong ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tạm thời cho Quảng Ninh 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão.
Tuy nhiên, các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Trung ương sẽ tự cân đối ngân sách, để nhường khoản hỗ trợ 100 tỷ đồng cho các tỉnh khác khắc phục hậu quả sau bão.