Những vấn đề “nóng” tại đại hội cổ đông ngành ngân hàng

(CL&CS) - Không chia cổ tức hay thảo luận về hoạt động M&A, chuyển sàn và đổi tên là những vấn đề được quan tâm tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngành ngân hàng năm nay.

Cổ đông ngân hàng luôn quan tâm tới vấn đề chia cổ tức.

Không chia cổ tức

Bên cạnh các ngân hàng có lịch sử chi trả đều đặn, thậm chí bắt đầu trả tiền mặt, vẫn còn nhiều nhà băng bỏ ngỏ kế hoạch trả cổ tức trong năm nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong năm 2023, Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.

Tại đại hội năm nay, Chủ tịch Hồ Hùng Anh Techcombank cho biết, HĐQT ngân hàng đã trình kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó bổ sung hơn 32 nghìn tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn. Về cổ tức tiền mặt, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị.

“Tôi từng nói hồi năm 2013 là 10 năm sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay vừa đúng năm thứ 10, tôi chưa thể nói gì sắp tới, nhưng mọi việc có thể xem xét”, Chủ tịch Techcombank cho biết.

Ông Hùng Anh nhấn mạnh, quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động hiệu quả. Đối với các quyền lợi của cổ đông, như cổ tức, giá cổ phiếu, ngân hàng vẫn luôn quan tâm, xem xét.

Năm 2023, Sacombank tiếp tục đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022, đưa lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến lên hơn 12.672 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông, nhiều cổ đông than phiền về việc 7 năm qua Sacombank không chia cổ tức. Với nguồn lợi nhuận giữ lại luỹ kế ở mức cao, cổ đông kỳ vọng có thể sớm chia cổ tức.

Trước mong mỏi của cổ đông, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

Theo ông Minh, Sacombank đã trình phương án tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.

Bên cạnh các ''ông lớn'', thì một số ngân hàng nhỏ cũng "nói không với cổ tức", như PG Bank không tiến hành chia cổ tức trong cả chục năm qua. Trong năm 2023, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông.

Tại ĐHĐCĐ, trả lời về lý do không bàn đến phương án chia cổ tức, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT cho biết, còn phải đợi xin ý kiến của các cổ đông mới.

PG Bank đang hoàn tất thủ tục tiếp nhận cổ đông tổ chức mới sau khi Petrolimex thoái vốn. Do vậy câu trả lời của Chủ tịch dễ dàng nhận được sự đồng thuận của các cổ đông nhỏ lẻ.

NCB cũng đã trải qua cả một thập niên không chi trả cổ tức. Lần gần nhất ngân hàng này trả cổ tức diễn ra vào năm 2011 với tỷ lệ hơn 7,5% bằng tiền mặt.

Hiện ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN, bên cạnh đó với kết quả kinh doanh luôn ở mức thấp nhất hệ thống thì khả năng chia cổ tức trong thời gian tới là rất thấp.

“Nóng” hoạt động M&A

Các thương vụ M&A cũng được quan tâm trong kỳ ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay, đầu tiên phải kể đến VPBank. Cuối tháng 3, Ngân hàng VPBank công bố thỏa thuận bán 15% cổ phần, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

VPBank cho biết thương vụ này thu về 35.900 tỷ đồng, nâng tổng vốn chủ sở hữu của nhà băng từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng, đưa ngân hàng trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam.

Theo tài liệu đại hội cổ đông, mức giá chào bán là 30.159 đồng/cổ phiếu (hiện thị giá cổ phiếu VPB là 20.900 đồng/cổ phiếu). Dự kiến thương vụ được thực hiện trong quý 2-3 năm nay.

Việc SMBC hoàn tất thoái vốn khỏi Ngân hàng Eximbank và sau đó mua cổ phần VPBank đã rộ lên từ lâu, nhưng nay chính thức được công bố. Đây cũng ghi nhận là thương vụ có giá trị cao nhất trong ngành hiện nay, vượt lên trên thương vụ Ngân hàng BIDV phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng.

Không chỉ có VPBank mà trong tài liệu mà Ngân hàng MSB đưa ra, ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Trong tờ trình cổ đông năm nay, Ngân hàng MB cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng. Hồi tháng 5/2022, MB đã ký với Oceanbank thỏa thuận hợp tác chiến lược dù Vietinbank là ngân hàng tham gia hỗ trợ nguồn lực trước đó.

Việc xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém cũng là thông tin đáng chú ý, sẽ được đưa ra thảo luận nhiều trong các cuộc họp cổ đông tới đây. Trong đó có những cái tên “sáng” ở chiều “nhận về” hiện nay gồm MB, Vietcombank, HDBank và VPBank.

Trong một diễn biến có liên quan khác, một dự thảo đang được lấy ý kiến là cho phép các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, trừ nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, sẽ được tăng trần sở hữu khối ngoại lên mức tối đa 49%. Nếu được thông qua, quy định này sẽ tiếp tục làm nóng thêm hoạt động M&A trên thị trường ngân hàng.

Chuyển giao dịch cổ phiếu sang HOSE

ĐHĐCĐ 2023 của VietBank (VBB) đã thông qua tờ trình tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi điều kiện thị trường thuận lợi.

 “Đại hội cổ đông thống nhất tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của Vietbank tại Hose khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu VBB có ý nghĩa quan trọng, minh bạch, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh" – đại diện Vietbank nói.

Trước đó, VietBank từng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào năm 2020. Tuy nhiên, sự cố quá tải, nghẽn lệnh liên tục tiếp diễn tại HOSE thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 và đại dịch COVID-19 nhiều lần khiến kế hoạch này bị trì hoãn.

Tại ĐHĐCĐ 2023 của Ngân hàng Bản Việt cũng thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ sàn UPCoM sang HOSE. Cổ phiếu BVB được đăng ký giao dịch tại UPCoM từ tháng 7/2020.

Cổ phiếu BVB được đăng ký giao dịch tại UPCoM của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 7/2020. Sau hơn 2 năm thực hiện giao dịch, việc chuyển sàn giao dịch sang niêm yết cổ phiếu tại HoSE sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đông thời hướng tới những bước đi vững chắc trong tương lai của Ngân hàng Bản Việt.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Nam A Bank được tổ chức ngày 18/03 đã thông qua việc đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Nam A Bank lên sàn HNX hoặc HOSE tùy điều kiện của thị trường. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 nhưng sau đó chủ động hoãn nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông trong bối cảnh môi trường vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường.

Và ngày 28/04, HĐQT Nam A Bank công bố nghị quyết thông qua kế hoạch niêm yết hơn 846.4 triệu cp NAB tại HOSE. Thời gian dự kiến gửi hồ sơ đăng ký niêm yết trong quý 2 và quý 3/2023.

Ngày 28/04, ĐHĐCĐ 2023 của ABBank cũng thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu ABB lên sàn HOSE khi điều kiện thị trường thuận lợi theo quyết định cụ thể của HĐQT. Hồi năm 2022, ABBank cũng từng trình kế hoạch tương tự.

Đến chuyện đổi tên

Trong tờ trình ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, HĐQT cho biết từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng sử dụng tên viết tắt tiếng Anh chính thức là LienVietPostBank được dùng trên tất cả các văn bản pháp lý và các kênh truyền thông. Nhược điểm của tên gọi này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao.

Xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ. Do đó, cái tên LienVietPostBank được ĐHĐCĐ thông qua đổi thành LPBank.

Ngân hàng khác cũng muốn đổi tên là Ngân hàng Bản Việt cũng thông qua kế hoạch đổi tên viết tắt tiếng Anh thành BVBank để thuận tiện trong việc gọi tên và các hoạt động truyền thông của ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này có tên viết tắt là VietCapitalBank.

TIN LIÊN QUAN