Đó là những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp muốn gửi tới Chính phủ được người đại diện là TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho biết.
Chia sẻ với Tạp chí Chất lượng và cuộc sống, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện Chính phủ cũng đang rất tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành. Chính phủ cũng đang tích cực nghiên cứu để sớm đưa ra các giải pháp mới để hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, vượt quá khó khăn của làn sóng đại dịch COVID-19.
Nhìn lại các chính sách hỗ trợ, Chủ tịch VCCI cho biết, người dân và doanh nghiệp rất hoan nghênh giải pháp 26.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng khó khăn mà Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Gói chính sách tài khóa giãn, gia hạn nộp thuế cũng đã thực hiện rất tốt. Các gói tín dụng ngân hàng cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Chính phủ đang chủ trương áp dụng giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp trong năm 2020 và năm 2021, tức là kéo dài thời hạn tiếp tục giảm thuế mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua.
“Đây là giải pháp cũng rất quan trọng, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không có doanh thu và kinh doanh không có lãi thì các biện pháp này không có tác dụng nhiều. Nhưng biện pháp này tác động chủ yếu ở sự cổ vũ động viên chia sẻ, đồng hành của chính phủ cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực hoạt động kinh doanh tốt thì có thể được hưởng lợi trực tiếp”, TS.Vũ Tiến Lộc nói.
Đặc biệt lần này, Chính phủ đã tính tới việc có thể giảm thuế đối với các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh, đây là biện pháp chưa từng có kể từ trước cho đến nay, Chủ tịch VCCI cho biết. Bên cạnh đó, việc giảm thuế GTGT có thể được áp dụng đối với một số lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực như vận tải, du lịch, vui chơi giải trí…
Chính phủ cũng đã tính đến giải pháp miễn, giảm, cho chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
“Bên cạnh những chính sách tài khóa đó vẫn còn dư địa giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp. VCCI cũng đã đề xuất giảm tiền điện cho các doanh nghiệp. Hiện mới giảm tiền điện cho hộ gia đình. VCCI cũng đề nghị giảm phí công đoàn về mức 1%. Đồng thời dùng phần kết dư quỹ BXH để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho những chi phí mà họ bỏ ra trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19”, TS.Vũ Tiến Lộc cho biết.
Chủ tịch VCCI cũng nhắc lại quan điểm, không đánh đổi sức khỏe nhân dân lấy tăng trưởng nhưng bảo vệ sức khỏe và phát triển kinh tế không đối đầu nhau. Ưu tiên hàng đầu là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhưng bảo đảm sinh kế người dân, duy trì sản xuất cũng quan trọng không kém.
Trong khó khăn bủa vây vì dịch bệnh gây ra phải cố gắng mọi cách giảm thiểu tối đa số người lao động không thiếu việc làm không mất thu nhập. Không để đã có dịch bệnh lại có thêm người nạn đói. Do vậy ưu tiên phòng dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào cơ quan hành chính.
Doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Là đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã liên tục kiến nghị các giải pháp đến Chính phủ để có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất phức tạp với sự xuất hiện của những chủng virus mới.
3 vướng mắc lớn nhất đang khiến sản xuất đình trệ, chuỗi cung đứt gãy:
- Vận chuyển đang bị gián đoạn do cách thực hiện khác nhau giữa các tỉnh thành trong cả nước và cách hiểu khác nhau về “hàng thiết yếu”.
- Chỉ 30 % số doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” nhưng không thể kéo dài, chỉ cầm cự trong vài tuần.
- Tỷ lệ người lao động… được tiêm vaccine quá ít.
Dù lúc này chống dịch và duy trì sản xuất đang rất vất vả và nhiều khó khăn, bên cạnh việc nghiên cứu xem xét đưa ra các giải pháp hỗ trợ trước mắt cũng phải tín đến đến giải pháp tạo nền tảng tăng trưởng cho thời gian tới.
Trong các kiến nghị lần này, người đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch này cần tiếp tục các thể chế thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính quyền cũng cần đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp hơn nữa.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn đến việc áp dụng một cách thực chất hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào cơ quan hành chính. Việc áp tiêu chuẩn này vào các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước khi giải quyết thủ tục phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp, nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành...
Toàn bộ quá trình được số hóa, xử lý trên các phần mềm, cho nên người đứng đầu mỗi cơ quan biết rõ hiệu quả công việc của từng cán bộ. Đồng thời, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.
Nhấn mạnh đến cụm từ “áp dụng một cách thực chất”, TS.Vũ Tiến Lộc cho hay: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO là một công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, của người dân. Nhưng nhiều nơi việc áp dụng chỉ là hình thức.
Chính phủ cần lưu tâm thúc đẩy những ngành có tiềm năng, để tạo nền tảng tăng trưởng trong tương lai… TS.Vũ Tiến Lôc, người đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đề nghị.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).