Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 115 doanh nghiệp bất động sản. Tính đến cuối quý II, ước tính tổng giá trị hàng tồn kho của những doanh nghiệp này thời điểm cuối quý II xấp xỉ 400.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số này có không ít doanh nghiệp đang "ôm" lượng hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tổng tài sản.
Cụ thể, doanh nghiệp có giá trị tồn kho lớn nhất ngành là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán: NVL) với giá trị hơn 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản.
Cơ cấu tồn kho của NVL gồm gần 8.400 tỷ đồng bất động sản đã xây dựng hoàn thành và đang xây dựng với gần 134.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) có giá trị tồn kho tăng 14% sau 6 tháng lên gần 21.500 tỷ đồng và chiếm tới 76% tổng tài sản.
Theo thuyết minh, giá trị xây dựng dở dang tại dự án khu nhà ở phường Bình Trưng Đông quy mô 5,8ha (Bình Trưng Đông 1) tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên gần 4.200 tỷ đồng. Giá trị tại khu dân cư Bình Hưng 11A cũng tăng hơn 900 tỷ đồng, lên hơn 1.500 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG) với giá trị tồn kho tăng 10%, lên gần 19.200 tỷ đồng chiếm 64% tổng tài sản trong đó, giá trị dở dang của dự án Izumi (gần 8.700 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 1 (hơn 3.800 tỷ đồng) và giai đoạn 2 (hơn 2.000 tỷ đồng), Akari (hơn 2.400 tỷ đồng).
Một trường hợp khác là CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) với hơn 7.000 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, chiếm gần 75% tổng tài sản trong đó, bất động sản dở dang duy trì mức 6.500 tỷ đồng.
CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) dù xếp thứ hai về giá trị hàng tồn kho với 56.300 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm khoảng 11% tổng tài sản trong đó, bất động sản đang xây dựng là hơn 48.600 tỷ đồng (giảm hơn 5%), gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, giá mua các công ty con được phân bổ tại các dự án khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 và 3, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City, cùng một số dự án khác.