NHNN: Tín dụng xanh đang có sự phát triển mạnh mẽ

(CL&CS)- Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng xanh đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn. (Ảnh: SBV)

Ngày 21/05/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Lễ Công bố sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, sau gần 2 năm triển khai Kế hoạch hành động của ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.

"Nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, từ đó tăng dần quy mô và tốc độ dư nợ tín dụng xanh", Phó Thống đốc cho biết.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng xanh đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tính đến 31/3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (chiếm hơn 37%), nông nghiệp xanh (trên 29%).

Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân trong giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung. Đây là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngành ngân hàng đối với tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn. Đơn cử, việc triển khai chưa đồng đều, nhiều TCTD chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh tín dư nợ tín dụng xanh. Kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh. Công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó là yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải….

“Để vượt qua những thách thức này, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành ngân hàng, các bộ ngành và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế. Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là sứ mệnh bắt buộc để tạo dựng nền tài chính bền vững, góp phần hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phó Thống đốc, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh giá 5 năm triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ hội để ngành ngân hàng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện định hướng giải pháp, nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn tới.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ Đức, GIZ, IFC và SECO trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác về tài chính bền vững nói riêng và các hợp tác tăng cường phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.

TIN LIÊN QUAN