Cụ thể, trong ngày 8/9, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Chỉ thị 18 về việc triển khai biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tương ứng với từng mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, người tiêm vaccine 2 mũi đủ 14 ngày sẽ được ưu tiên đi làm, lưu thông.
Thống kê cho thấy hiện tỉnh Khánh Hòa có 248.057 người được tiêm mũi 1 và 48.347 người được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Với Chỉ thị 18 của UBND tỉnh Khánh Hòa, các cửa hàng kinh doanh ở "vùng xanh" được hoạt động với điều kiện chủ cửa hàng, cơ sở phải đăng ký và được UBND cấp xã, phường đồng ý khi đã bảo đảm đầy đủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Điều kiện đi kèm là bảo đảm 5K và nhân viên có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 2 ít nhất từ 14 ngày trước.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các trường hợp đi liên huyện; 30% cán bộ công chức ở "vùng cam"; 50% cán bộ "vùng vàng"; lực lượng tuyến đầu, cung cấp dịch vụ thiết yếu được phép đi làm khi có giấy xác nhận âm tính trong vòng 72 giờ hoặc tiêm đủ 2 liều vaccine qua 14 ngày.
Còn tại Bình Dương thì TP Thủ Dầu Một của tỉnh này đã thực hiện trạng thái bình thường mới, người dân được ra đường. Huyện Dầu Tiếng và Bàu Bàng thực hiện Chỉ thị 15, huyện Bắc Tân Uyên và Phú Giáo thực hiện Chỉ thị 15+ để phòng chống dịch Covid-19.
Tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu các địa phương "vùng xanh" cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Người tiêm 1 mũi thì cấp "thẻ vàng", khi lưu thông trong "vùng xanh" cần có thêm giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
TP HCM cũng đang nghiên cứu, thiết kế "thẻ xanh Covid-19". Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tiêm vaccine là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của TP HCM giai đoạn này để toàn bộ người dân đều có kháng thể với virus SARS-CoV-2, từ đó TP có thể mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Để có thể triển khai nhanh chóng chính sách "thẻ xanh vaccine", bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng, các địa phương cần cập nhật đúng, đủ thông tin tiêm chủng của người dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên hệ thống quản lý tiêm, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20-9. Đơn vị tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vaccine lên hệ thống. Người dân có thể liên hệ với điểm tiêm chủng để đơn vị cập nhật đầy đủ hoặc phản ánh qua tổng đài đường dây nóng của Bộ Y tế số 19009095.