Các tuyến bay nội địa Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang đến Phú Quốc đã dừng nhiều tháng nay. Đường bay quốc tế còn các chuyến từ Hàn Quốc, Kazakhstan, Malaysia, Thái Lan, Cộng hòa Séc, Hong Kong, Thượng Hải... trung bình 1.700 khách mỗi ngày.
Tháng trước Bamboo Airways cũng đã tuyên bố rút khỏi nhiều đường bay nội địa và quốc tế trong đó có chặng Cần Thơ - Phú Quốc. Đây cũng là hãng bay duy nhất khai thác tuyến này và hiện không có hãng khác mở tuyến do thiếu sức hút, ít khách.
Theo thống kê của Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, 5 tháng đầu năm nay mỗi tháng có từ 160.000 -170.000 khách nội địa, tăng cao dịp hè tháng 7, 8 với hơn 200.000 lượt. Lượng khách ghi nhận tụt sâu trong ba tháng gần đây, giảm 30 - 50%.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng tại Phú Quốc, lượng khách nội địa đến địa phương giảm do giá vé máy bay tăng cao.
Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc từng được nhiều nhà đầu tư quan tâm
Giá shophouse, nhà đất ở Phú Quốc ảm đạm, dù giảm cũng không có người mua
Nhiều dự án shophouse tại Phú Quốc trong tình trạng bất động kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này phải lao đao và đang từng ngày trông ngóng sự khởi sắc.
Theo thông tin từ báo Kinh tế & Đô thị, một nhà đầu tư ở TP. HCM cho biết, thời gian qua vẫn luôn tìm hiểu thị trường shophouse để đầu tư, mặc dù đóng băng nhưng giá vẫn cao, trong khi ngân hàng thì không giải ngân.
Một môi giới shophouse cho hay, giá dự án Crystal City Meyhomes Capital Phú Quốc giá mỗi căn tại dự án đang được chào bán trên thị trường dao động từ 8-23 tỷ đồng/căn. Còn dự án Paradise walk Sky realty diện tích các căn shophouse tại dự án dao động từ 81-120m2 và có giá dao động trên thị trường từ 28-38 tỷ đồng/căn.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực shophouse cho rằng, việc đánh giá, hiệu quả đầu tư vào shophouse tại Phú Quốc là một bài toán khó giải, điển hình như tỉ suất về lợi nhuận của dòng sản phẩm này không cao, mô hình này hiện tại chưa phù hợp với việc phát triển tại Phú Quốc. Để phát triển vượt bậc hơn nữa, thì cần phải cải thiện được hiệu suất đầu tư, thị trường du lịch nghỉ dưỡng phát triển một cách mạnh mẽ, lượng khách du lịch ghé thăm đông thì mới gia tăng được hiệu quả cao.
Trong khi shophouse đìu hiu thì thị trường bất đất nền, đất công thì chẳng mấy rơi vào cảnh tương tự. Theo tìm hiểu, hiện tại, giá đất ở Phú Quốc tùy thuộc vào vị trí, diện tích và giấy tờ pháp lý mà có sự giảm giá khác nhau.
Điển hình như tại khu vực phường, xã: Dương Đông, An Thới, Dương Tơ... trước đây luôn nằm ở mức cao giờ giảm sâu nhưng vẫn không ai đoái hoài. Còn tại các xã như: Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Thơm giá đất thấp hơn so với vị trí trung tâm và hiện tại dao động ở khoảng 2 tỷ đồng/công (1.000m2), đất có vị trí đẹp nằm ở khu dân cư, giá khoảng 2,5 tỷ đồng/công. Ở khu vực xã Cửa Dương như: Ông Lang, Khu Tượng, Bến Tràm, Cây Thông Ngoài, Cây Thông Trong, Búng Gội có giá khoảng dao động từ 3 đến 4 tỷ đồng/công. Nhìn chung, giá đất hiện tại giảm so với những năm trước khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua.
Nhà đầu tư ôm bất động sản cũng phải “méo mặt”
Nhiều người tâm huyết với câu chuyện đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc không khỏi xót xa với không khí kinh doanh ảm đạm, nhiều khu phố thương mại được các chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng đã lâu nhưng vẫn bị bỏ trống hàng loạt.
Chị A., một nhà đầu tư đến từ TP. HCM, cho hay với sự phát triển nóng trong giai đoạn 2017-2021 cùng sự tham gia của nhiều chủ đầu tư lớn, Phú Quốc đã từng thành công khi thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân. Bản thân chị A. cũng “nhanh chân” để sở hữu một căn nhà phố thương mại ở khu vực An Thới với mức giá 10 tỷ đồng và một căn biệt thự nghỉ dưỡng với giá mua trên 30 tỷ đồng. Dẫu vậy, cả hai sản phẩm trên hiện đều trong trạng thái “ngủ đông”.
“Tại khu phố thương mại, chỉ có lác đác vài căn là hoàn thiện nội thất để mở quán cafe, nhà hàng, còn lại bỏ trống đến 80% nên tôi cũng không muốn hoàn thiện. Còn căn biệt thự thì hiện nay, chủ đầu tư đã không còn trả mỗi năm lãi suất 10% như cam kết ban đầu, có chút doanh thu cho thuê thì cùng chia, nhưng chỉ đạt mức lãi 3%/năm, trong khi nợ ngân hàng là 11%/năm, xem như lỗ nặng”, chị A. tâm sự.
Theo dữ liệu từ bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group, đến tháng 9/2023, bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc tồn kho khoảng 16.000 sản phẩm (bao gồm cả condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng), là thị trường đứng thứ ba về tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng sau Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thời gian qua, vì nhiều lý do như bị cắt tuyến máy bay, dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp, du khách vắng dần khiến sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng không có khả năng sinh lời.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư đã gia nhập thị trường một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình hoạch định, triển khai và vận hành dự án mà điển hình là dạng nhà phố thương mại nên hầu như nhà đầu tư cá nhân “thất bại” xét trên khía cạnh doanh thu hàng năm.
Nhiều nhà đầu tư phản ánh, thời gian gần đây các căn hộ cho thuê thường trong trạng thái ế khách
“Năm 2019, tôi rót hơn 6 tỷ đồng để sở hữu 2 căn condotel tại Phú Quốc. Đầu năm 2021, tôi nhận bàn giao và trải qua hơn 1 năm tê liệt vì dịch Covid-19. Những tưởng sang năm 2022 sẽ cho thuê tốt hơn nhưng chỉ được vài tháng là đông khách, từ cuối năm 2022 tới nay hầu như nhà để trống”, anh C., một nhà đầu tư ở Hà Nội, cho hay.
Anh C. cho biết thêm, thông thường các kỳ nghỉ lễ, cả 2 căn vẫn được lấp đầy, còn ngày thường thì vẫn có vài đoàn khách, đủ để bù đắp các khoản chi phí, đỡ một phần lãi vay. Nhưng từ đầu năm 2023 thì “đói” hoàn toàn, hơn 10 tháng qua, khách chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Báo cáo mới nhất của DKRA Research dự báo nguồn cung và sức cầu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng năm 2023 cả nước nói chung và Phú Quốc nói riêng giảm mạnh. Tỷ suất lợi nhuận đầu tư condotel, officetel… đi xuống, nhiều căn chỉ đạt trên dưới 1%/năm, thậm chí thu không đủ bù chi.
Phú Quốc “cứu mình” bằng cách nào?
Để Phú Quốc hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch mới của khu vực và điểm sáng đầu tư bất động sản. Đảo ngọc cần những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về cả y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…
Trong khi đó, theo đại diện Hội Đầu tư Phát triển du lịch Phú Quốc cho rằng: Hiện tại các doanh nghiệp đầu tư các dự án bất động sản tại Phú Quốc đang gặp khó về thủ tục pháp lý, tách sổ để bàn giao cho các nhà đầu tư.
Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết, Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp cư dân mới, để hoàn thiện bức tranh đô thị mới của Phú Quốc.
Nhiều khả năng, sau giai đoạn đầu với sự phát triển nhanh chóng của bất động sản du lịch, xu hướng thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ có bước chuyển mới là sự phát triển song song của hai loại hình bất động sản du lịch và bất động sản nhà ở đô thị.
Theo một số tổ chức dự báo, đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tín dụng, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như việc giải quyết các vấn đề pháp lý nhằm khai thông nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường.
“Trong tương lai, sau năm 2023, khi thị trường bất động sản khôi phục thì thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ là thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điểm nhấn đáng chú ý của thị trường bất động sản tại Phú Quốc là có địa hình địa lý thuận lợi tạo nhiều cơ hội kinh doanh. Cùng với đó, chính quyền địa phương rất hỗ trợ nhà đầu tư”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân chia sẻ.