Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong quý II/2024 vẫn chưa phát triển bền vững, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về bất động sản vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Một số nhà đầu tư và môi giới đã tung tin đồn, mua đi bán lại bất động sản nhằm tạo nhiễu loạn thông tin, đẩy giá lên cao để trục lợi.
Tại TP. Hà Nội, tình trạng này rõ rệt với giá căn hộ chung cư tại một số dự án, cũng như nhà ở riêng lẻ tại các khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức... tăng cao bất thường, vượt xa nhu cầu thực tế của người dân.
Ngoài ra, tại TP. Hà Nội còn xuất hiện tình trạng giá trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá đất trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, công khai và minh bạch.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều địa phương đã tăng cường quản lý và kiểm soát thị trường bất động sản.
Tại Thủ đô Hà Nội, TP yêu cầu các huyện lập danh sách những trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền và công khai thông tin trên trang của các huyện cùng Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, TP cũng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá đất, hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, ưu tiên đấu giá đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư. Các đơn vị tổ chức đấu giá đất được yêu cầu xem xét bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) để đảm bảo tính cạnh tranh và sát với giá thị trường.
Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh nhận định thị trường bất động sản trên địa bàn chưa thực sự bền vững, có hiện tượng mua đi bán lại để thổi giá, tạo sốt ảo.
Một số chủ đầu tư dự án tổ chức kinh doanh chưa phù hợp với quy định, rao bán sản phẩm khi chưa hoàn tất quy trình.
Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới, đặc biệt tại các dự án, khu chung cư có dấu hiệu tăng giá bất thường.
Đồng thời, tỉnh sẽ theo dõi các hoạt động đấu giá đất có hiện tượng tăng giá đột biến, để chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết.
Tại Thanh Hóa, tỉnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá ở từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất ở.
Địa phương cũng siết chặt việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án phân lô, bán nền đã có hạ tầng kỹ thuật.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, kiểm soát tình trạng mua đi bán lại nhiều lần, đồng thời thanh tra, xử lý hành vi thổi giá, đầu cơ.
Tại Cà Mau, Sở Xây dựng được giao công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; thông báo các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch xây dựng, và đầu tư phát triển hạ tầng để người dân, cơ quan, tổ chức nắm rõ.
Tỉnh cũng công khai các dự án bất động sản đã được phê duyệt và danh sách các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn nhằm minh bạch thông tin.
UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm soát, thúc đẩy thị trường bất động sản của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.