Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang được thi công mở rộng với hai đường hẫm dẫn nước xuyên núi có kích thước lớn nhất Việt Nam. Hai hầm dẫn nước này có tổng chiều dài gần 1,5km, rộng gần 14m. Công tác đào và gia cố hầm sẽ kết thúc trong tháng 4.
Hiện nay, gần 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm thi công trên công trường để kịp hoàn thành theo tiến độ.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) khởi công xây dựng năm 1979, hoàn thành năm 1994. Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị cho Việt Nam. Đây là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ XX, đồng thời có nhiệm vụ quan trọng như điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu. Trong 30 năm qua, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất khoảng 230 tỷ kWh.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu dự án, cuối tháng 1/2021, dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng, nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu.
Nhà máy chính thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Xây dựng 47 - Lilama 10.
Khởi công xây dựng được hơn 10 tháng, tháng 11/2021 dự án phải tạm dừng thi công do sạt hố móng. Sau khi xem xét đánh giá toàn diện, xử lý xong sạt trượt mái dốc bảo đảm ổn định và an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã cho dự án tiếp tục được thi công trở lại vào tháng 9/2022.
Từ đó đến nay, dự án thi công đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Đánh giá của Viện Vật lý Địa Cầu cho thấy, chỉ số rung chấn trong quá trình thi công dự án nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu gồm đập thủy điện Hòa Bình, tượng đài Bác Hồ...