Từng là sân bay quốc tế lớn thứ 2 ở miền Nam
Cảng hàng không Liên Khương với diện tích 337,1ha nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là khu vực có mật độ dân số cao và giao thương kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
Theo ACV, năm 1933, Pháp xây dựng sân bay lấy tên gọi là Liên Khàng với đường băng bằng đất dài 700m và chủ yếu là phục vụ cho mục đích quân sự khu vực. 23 năm sau, Mỹ cho tu sửa cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ga mới để phục vụ cho hoạt động quân sự và dân sự, đồng thời đổi tên thành sân bay Liên Khương.
Năm 1964, Mỹ nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay với đường cất hạ cánh bằng nhựa dài 1.480m, rộng 37m, sân đậu máy bay với diện tích 23.100m2 có sức chứa 5 máy bay. Đây từng là sân bay quốc tế lớn thứ 2 ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó.
Từ năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản và sử dụng sân bay cho mục đích quân sự, an ninh quốc phòng và kinh tế quốc dân. Đường bay chủ yếu là TP HCM - Đà Lạt - TP HCM với các loại máy bay chủ yếu là DC3-DC4-DC6-AN24-AN26.
Hai năm sau, sân bay Liên Khương được Cụm cảng hàng không miền Nam nâng cấp kéo dài đường băng từ 1.480m lên 2.354m để đáp ứng các loại máy bay A,B cất hạ cánh và đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C (theo tiêu chuẩn của ICAO). Sân bay Liên Khương được đổi tên thành Cảng hàng không Liên Khương.
Năm 2002, Cụm cảng hàng không miền Nam tiếp tục nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không hiện đại với tiêu chuẩn sân bay cấp 4D có thể tiếp thu các loại máy bay lớn như Airbus A320/A321, Boeing 737/ 767 và các loại máy bay tầm trung tương đương cất hạ cánh.
Cuối tháng 12/2009, nhà ga mới Cảng hàng không Liên Khương chính thức được đưa vào khai thác – trở thành một cảng hàng không quốc tế đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4D.
Nhà ga như bông hoa rực rỡ trên cao nguyên
Lấy ý tưởng từ đóa hoa dã quỳ - loài hoa có sắc vàng kiêu hãnh và sức sống mãnh liệt, cũng là loài hoa đặc trưng của vùng núi Tây Nguyên, công trình nhà ga Cảng hàng không Liên Khương mang một nét riêng, tạo cảm giác hiện đại nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Công trình đã đoạt giải nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.
Hệ thống mái sử dụng hoàn toàn kết cấu thép đem lại sự nhẹ nhàng, thanh mảnh. Trên mái có những phần mái kính giúp tăng cường ánh sáng và tạo điểm nhấn. Kết cấu bao che sử dụng vách kính chủ đạo.
Tấm mái lợp sử dụng màu vàng thật của cánh hoa dã quỳ nên hành khách từ trên máy bay có thể nhìn thấy nhà ga như một đóa hoa quỳ nở vàng rực rỡ. Bao bọc xung quanh sân bay là những rừng hoa dã quỳ trải dài rực rỡ, nổi bật trên núi rừng Tây Nguyên.
Ở trung tâm nhà ga là một hệ thống cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 2. Cấu trúc này gồm 2 cầu thang xoắn ốc đen xen vào nhau, cuốn lấy nhau như một tác phẩm điêu khắc.
Ga hàng không Liên Khương có 18 quầy thủ tục, trong đó 9 nội địa và 9 quốc tế. Băng chuyền xử lý hành lý có công suất 800 kiện hàng/giờ. Bên cạnh những món đồ thường thấy ở các quầy lưu niệm trong nhà ga sân bay, ở nhà ga Liên Khương có quầy bán hoa Đà Lạt - đặc biệt là các loại hoa lan. Khách hàng có thể mua ngay tại chỗ và mang lên máy bay.
Nhà ga mới có diện tích sàn xây dựng 12.400m2 gồm hai tầng. Công suất nhà ga có thể đáp ứng 1,5-2 triệu khách mỗi năm. Cùng với nhà ga mới, sân bay Liên Khương đã đưa đường băng mới có chiều dài 3254m, rộng 45m vào khai thác, cho phép máy bay hạng trung như A320, A321 hoạt động.
Theo quy hoạch được phê duyệt tháng 6/2023, sân bay Liên Khương sẽ có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 5 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 340,84ha, với chi phí đầu tư khoảng 4.591 tỷ đồng. Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có công suất thiết kế dự kiến khoảng 7 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 486,84ha, với chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 3.157 tỷ đồng...