PV: Anh đến với mỹ thuật (vẽ, chụp ảnh, quay phim, điêu khắc...) lúc nào? Bằng cách nào?
- Nguyễn Thành Trung: Khi còn ở cấp tiểu học, tôi đã thích môn vẽ và thủ công, thường được điểm cao các môn này. Tôi thường xem các hình ảnh trong truyện tranh rồi tập vẽ lại. Khi lên trung học tôi tập vẽ chân dung hoặc phong cảnh qua các hình ảnh in trên tạp chí của các họa sĩ và nhiếp ảnh gia... Tôi thường tìm đến các phòng vẽ quảng cáo, chân dung để ngồi xem họ vẽ, qua đó biết được các vật liệu để tạo nên những bức ảnh. Cũng như cách pha màu... Quan trọng hơn - do xem nhiều, tập vẽ nhiều trong tôi đã có ý niệm, một cái nhìn về ánh sáng trong tranh, ảnh. Cũng từ đây, tôi bắt đầu “mê” những bức ảnh nghệ thuật để rồi lại tìm tòi lấn qua bộ môn nhiếp ảnh. Khoảng năm 1990, tôi và vài anh em lập ra CLB nhiếp ảnh Bảo Lộc, để trao đổi, học tập lẫn nhau. Đây cũng là những bước đầu tiên của anh em nhiếp ảnh Bảo Lộc trong đó có tôi.
Chân dung Nguyễn Thành Trung. |
PV: Anh vừa ra mắt cuốn vựng ảnh “Nhìn lại”, ảnh trong sách được ghi lại từ những chuyến đi xuyên Việt, anh đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi, trong bao nhiêu năm, chụp được bao nhiêu ảnh để chọn lại bao nhiêu ảnh đưa vào sách. Trong đó anh tâm đắc nhất là những bức ảnh nào? Những kỷ niệm trong các chuyến đi săn ảnh? Mảng chân dung anh khá nhiều nhân vật là người dân tộc thiểu số ở Việt Bắc và Tây nguyên, tại sao anh thích chụp họ?
- Do phần lớn thời gian tôi sống ở cao nguyên, nơi gần gũi với núi rừng và người dân tộc thiểu số. Bởi lẽ đó, tôi bị ảnh hưởng ít nhiều trong những hình ảnh tôi thực hiện. Tôi thường tìm hiểu thêm về đời sống của họ, và thấy một điều đa phần người dân tộc thiểu số còn nghèo, điều kiện học tập và tiếp cận những phương tiện mới để hỗ trợ cho việc học hoặc đời sống thường ngày còn thiếu thốn...
Tôi thường lên Tây nguyên ghé thăm một số làng và những người thân quen. Trong những năm gần đây, tôi dành thời gian ra phía Bắc. Lên Tây bắc rồi qua Đông bắc bằng phương tiện xe mô tô để dễ quan sát và đi vào được các bản làng. Ngoài phong cảnh đẹp đặc trưng của vùng núi phía Bắc này, còn có những hình ảnh con người lam lũ, chân chất, đặc biệt là nột nét văn hóa mới hoàn toàn khác biệt với văn hóa Tây nguyên. Từ trang phục đến kiến trúc xây dựng, từ canh tác đến văn hóa sinh hoạt truyền thống...
Tôi thích ánh mắt trẻ thơ, trong sáng, ẩn chứa một chút buồn của người dân tộc thiểu số. Tôi thấy được sự khó khăn, thiếu thốn và sự cam chịu của họ trong đôi mắt ấy.
Cụ già người K'ho. |
PV: Anh là nhân tố nòng cốt trong công tác từ thiện xây nhà tình thương cho các hộ nghèo trong vùng. Anh có thể kể tên những anh em cộng tác đắc lực, những mạnh thường quân luôn ủng hộ? Đến nay nhóm của anh đã xây được bao nhiêu căn nhà? Hộ khó khăn nào có cảnh ngộ thương tâm nhất? Bây giờ cuộc sống của họ ra sao?
- Song song với công việc nghệ thuật, tôi thực hiện vài ngôi nhà nhỏ cho những gia đình nghèo, nơi tôi đã đi qua. Làm được những việc này là do những ân nhân đáp lại lời mời gọi của tôi. Với một căn nhà khoảng trên dưới 40m2 diện tích sử dụng, nền gạch bông, mái lợp tôn, có phòng ngủ phòng khách... chi phí bình quân 50 triệu đồng. Để có được số tiền đó mỗi khi có kế hoạch xây nhà, sau khi trình bày cụ thể hoàn cảnh, bản vẽ trên Facebook khoảng 2 tuần sau là có những ân nhân gửi tiền giúp tôi thực hiện. 100% số tiền này được dùng cho việc xây dựng và công bố chi tiết việc chi thu mỗi khi xong công trình. Những ân nhân cũng ủng hộ tôi cách làm và vui vẻ, nhanh chóng ủng hộ mỗi khi tôi kêu gọi. Nhiều ân nhân đều đặn có mặt tham gia như chị có nickname: Tuyet Dalat, KimLien, Nguyencuong, Thudo, Binhbinh, Quatao, Quanunghau... và nhiều lắm tôi không thể kể hết được.
Em bé chăn cừu Ninh Sơn Ninh Thuận. |
Hầu hết những căn nhà tôi làm trước đó là những căn chòi che tạm bợ bằng những tấm liếp, tôn cũ mục nát. Có những căn chòi chỉ cần dọn khoảng mươi phút là đã có mặt bằng sạch sẽ để xây dựng. Về hoàn cảnh của những căn hộ mà chúng tôi giúp đỡ thì đa dạng: Như nhà vợ chồng anh Tùng ở xóm chùa Madagui, huyện Dạ Huoai. Chồng thợ xây, vợ phụ hồ nuôi hai con nhỏ đi học, có căn chòi dựng tạm bên vách nhà bố vợ, sau một cơn dông căn chòi đổ sụp cả 3 năm sau đi ở nhờ vật vờ. Sau khi có được căn nhà mới, tinh thần vững tin, sống lạc quan hơn... bây giờ đã được một nhà thầu xây dựng phân công theo dõi công trình, lương hằng ngày 350.000 đồng và vợ phụ hồ: 250.000 đồng/ngày. Chi thu hằng tháng trong gia đình cũng ổn định. Hoặc như gia đình anh Thảo ở Nam Ka, huyện Lak. Sau khi có căn nhà mới, đổi phương cách làm ăn, sau 2 năm, bây giờ đã có bầy dê hơn chục con và một con bò... đời sống sáng lên thấy rõ.
Trong 10 căn nhà chúng tôi xây dựng chưa đầy hai năm vừa qua, hoàn cảnh bi đát nhất là trường hợp gia đình nhà chị Ka Khiêm ở thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm. Bản thân Ka Khiêm bị thần kinh. Lợi dụng bệnh tật đó, người xấu hãm hại, Ka Khiêm có hai đứa con không cha. Bố mẹ Ka Khiêm già, mẹ bệnh tật liệt giường hơn hai năm nay mọi sinh hoạt ở một chỗ. Sống trong ngôi nhà mục nát, hôi hám. Khi chúng tôi đến thăm và đưa bà mẹ ra ngoài tắm rửa, được biết 2 năm trời hôm nay mới ra khỏi nhà thấy lại mặt trời. Chúng tôi đã làm một cái giường sắt đặc biệt cho bà nằm và tu sửa, xây lại căn nhà mới khang trang cho gia đình này. Nhưng để họ sống được tốt hơn, cần được sự quan tâm của địa phương và bà con chòm xóm. Có điều xóm này nhiều người nghèo quá. Hy vọng tôi còn khỏe mạnh và luôn được các thân hữu giúp đỡ để có thể xây dựng thêm vài căn nhà cho những gia đình quá khó khăn này.
Hà Đình Nguyên - Ảnh: Nguyễn Thành Trung