Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP) đã xử lý theo đúng các quy định của pháp luật vụ ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum từ pate chay.
Cụ thể, ngày 19/8, Cục nhận được báo cáo đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai về việc có 2 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, nghi ngờ do ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum và có thể liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay, sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới.
Sản phẩm pate Minh Chay chứa độc tố nguy hiểm |
Sau khi có kết quả xét nghiệm thực phẩm đó có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, Cục đồng thời nhận được thông tin từ TP. HCM cũng có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện của TP (hiện con số này là 8) và cũng có liên quan đến sản phẩm này.
Vì thế, Cục ATTP đã phối hợp với Chi cục, các cơ quan chức năng thành lập ngay đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và đến kiểm tra cơ sở đó. “Đồng thời, ngay lập tức chúng tôi cũng phát cảnh báo cho người tiêu dùng không sử dụng pate Minh Chay và 12 sản phẩm khác của công ty này. Chúng tôi gửi văn bản đến các Sở Y tế, các chi cục, các ban quản lý an toàn thực phẩm để cảnh báo cho người tiêu dùng” - ông Long nói.
Cục ATTP cũng yêu cầu công ty phát đi cảnh báo trên chính trang web của họ, gọi điện đến cho những người đã mua sản phẩm để thông báo về tình hình.
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm |
Cục Phó Cục ATTP khẳng định, Cục An toàn thực phẩm là cơ quan quản lý nhà nước về mặt hành chính, đơn vị đã làm tất cả các bước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh báo cho người tiêu dùng để tránh tiếp tục có những hậu quả tiếp theo. Biện pháp khẩn cấp là ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm đó và cảnh báo người tiêu dùng để ngăn chặn sản phẩm đó tiếp tục được sử dụng và gây ra những hậu quả đối với sức khỏe.
Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cũng như tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm cho cơ sở này là do ngành nông nghiệp của TP Hà Nội thực hiện. UBND TP Hà Nội hiện đã kiểm tra và yêu cầu ngừng sản xuất, ngừng lưu hành sản phẩm pate Minh Chay. Cục Phó Cục ATTP giải thích, theo nghị định số 15 của Chính phủ ban hành năm 2018, những sản phẩm thông thường như pate chay được tự công bố và được thẩm định, cấp giấy chứng nhận từ cơ quan quản lý trực tiếp thì người ta được quyền kinh doanh sản phẩm đó.
Đây là các sản phẩm đóng hộp được sản xuất tại các hộ gia đình. Ở trên thế giới, người ta đã cảnh báo những sản phẩm có nguồn gốc nông sản, lại đóng hộp thì nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum là cao hơn các loại khác. Vì thế, ông Long khuyên người tiêu dùng hết sức lưu ý, khi kiểm tra hộp thực phẩm có hiện tượng phồng nắp hoặc hộp phồng căng bị biến dạng thì không nên sử dụng thì khi đó có thể có hiện tượng nhiễm vi khuẩn và sinh ra khí tăng áp lực của hộp gây ra méo hoặc căng hộp. Đấy là một trong những dấu hiệu sớm để chúng ta phát hiện sản phẩm đó có vấn đề về chất lượng.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết thực phẩm đóng hộp nằm trong hộp kín phải mở ra kiểm tra mới xác định được chất lượng. Tuy nhiên, bạn có thể dùng giác quan để quan sát màu, trạng thái đặc lỏng, hạn sử dụng và hình dáng bên ngoài hộp có nguyên vẹn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đồ hộp có hiện tượng phồng nắp hoặc phồng căng, biến dạng có thể do vi sinh vật sinh khí phát triển, phân hủy và tạo ra khí như CO2, NH3... và sản sinh các độc tố. Trong không gian kín làm tăng áp lực gây ra méo hoặc căng hộp. Khi mở nắp nghe tiếng xì là do ém khí lâu. Ngoài ra, chế biến không đúng quy trình tạo điều kiện để vi sinh vật phát triển khiến sản phẩm bị chua và hỏng. Ví dụ, Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí. Môi trường càng đóng càng kín bao nhiêu thì nó càng sinh nhiều chất độc bấy nhiêu.
Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả các đồ hộp dấu hiệu hỏng do vi sinh vật gây ra, dù hộp bị phồng hay không bị phồng, đều không thể sử dụng làm thức ăn, phải hủy bỏ. Người tiêu dùng nên mua thực phẩm đóng hộp ở cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Kiểm tra hình thức và hạn sử dụng của đồ hộp trước khi mua.
Hồng Liên