Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để tặng cho các cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đầu tiên vinh dự được trao tặng Huân chương Sao Vàng. Bà là một huyền thoại của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ miền Nam thành đồng Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908 – 1996), quê tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước. Bà giác ngộ cách mạng từ rất sớm, chỉ mới 20 tuổi đã tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, bà lấy bí danh là Mười Thập.
Sinh thời, bà Nguyễn Thị Thập giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của đất nước. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1981, trở thành người có thời gian đảm nhiệm vai trò Ủy viên Trung ương lâu nhất trong lịch sử Đảng, với 35 năm cống hiến. Bà còn là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên đại diện cho tỉnh Tiền Giang tham gia kỳ họp Quốc hội khóa I tại Hà Nội vào năm 1946.
Thời kỳ toàn quốc kháng chiến với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, sau đó giữ chức Hội trưởng Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) Nam Bộ.
Sau khi tập kết ra Bắc, bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam từ năm 1956 đến 1974. Năm 1975, bà tiếp tục đảm nhận vai trò Hội trưởng, sau đó là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bí thư Đảng Đoàn phụ nữ Việt Nam, kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương. Trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà đã dành nhiều thời gian đến các cơ sở Hội, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và khó khăn của chị em phụ nữ, từ đó kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng một bộ luật hôn nhân và gia đình mới, phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống lại những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu và phong kiến gia trưởng, góp phần giải phóng phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Bà còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong bộ máy đoàn thể và chính quyền các cấp. Dưới sự lãnh đạo của bà, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, trong đó nổi bật là phong trào "Phụ nữ ba đảm đang", một phong trào đã lan tỏa ảnh hưởng ra nhiều quốc gia trên thế giới như một biểu tượng rực rỡ. Với những cống hiến to lớn, bà đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trao tặng danh hiệu "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước".
Năm 1985, bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cùng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà qua đời ngày 19/3/1996 tại TP. HCM, hưởng thọ 88 tuổi. Theo di nguyện của mình, bà mong muốn được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, bên cạnh mộ chồng.