Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) được thành lập từ năm 1956, với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế - Tài chính Trung ương, là trường đại học kinh tế đầu tiên của cả nước được đặt trong hệ thống Đại học Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự.
Sau nhiều lần thay tên, tháng 10/1985, trường chính thức có tên là Đại học Kinh tế Quốc dân và giữ nguyên cho đến ngày nay.
Nơi đào tạo ra những doanh nhân hàng đầu
Gần 70 năm qua, trường đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu và cung cấp nguồn nhân lực cao cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh. Trong hàng ngũ của những doanh nhân hàng đầu của đất nước, rất nhiều người là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Tiêu biểu có thể kể đến ông Trần Đình Long, ông là một doanh nhân, tỷ phú đô la, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Ông cũng được coi là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam.
Những năm ngồi trên giảng đường NEU, ông Trần Đình Long có một người bạn thân thiết là ông Trần Tuấn Dương. Sau 6 năm ra trường, ông Long và ông Dương cùng những người bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát.
Trải qua hơn 30 năm phát triển, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng VNR500 của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report). Hiện ông Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT, còn ông Trần Tuấn Dương đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Một số doanh nhân nổi tiếng khác cũng từng học tại Đại học Kinh tế Quốc dân như ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank, CTCP Chứng khoán Liên Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam); ông Vũ Văn Tiền (Phó Chủ tịch HĐQT An Bình Bank, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco); bà Nguyễn Thị Nga (Phó Chủ tịch SeaBank, Chủ tịch Tập đoàn BRG)...
Bên cạnh đó, đây cũng là ngôi trường có nhiều cựu sinh viên là các chính trị gia. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20/11/2022, Chủ tịch nước khi đó - ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, ông là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Khoá 15 khoa Công nghiệp (1973-1977). Nguyên Chủ tịch nước cũng như các bạn đồng môn luôn tự hào từng là sinh viên của trường, tự hào về các thầy cô dạy mình, luôn nhớ ơn các thầy cô cũ mà phần lớn các thầy cô đã đi xa.
Ông cho biết, trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính Phủ, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, có nhiều người là bạn đồng môn cùng ông. Riêng trong hàng ngũ cán bộ Trung ương Đảng khoá XIII, có 15 uỷ viên, là lãnh đạo các bộ và bí thư các tỉnh, thành là cựu sinh viên của trường...
Những năm gần đây, bên cạnh Đại học Ngoại thương (FTU), Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nổi lên với danh xưng "nôi đào tạo Hoa - Á hậu quốc dân", với rất nhiều gương mặt đang “làm mưa làm gió” tại các cuộc thi nhan sắc lớn. Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Xuân Hạnh, Á hậu Phương Nga, Á hậu Trịnh Thùy Linh... đều đã và đang theo học tại đây.
Cơ sở vật chất khang trang và hiện đại
Đại học Kinh tế Quốc dân sở hữu cơ sở vật chất rất khang trang và hiện đại. Tòa nhà Thế Kỷ - Giảng đường A2 của NEU với diện tích 96.000m2, được thiết kế dạng cầu thang xoắn ốc và kiến trúc Pháp hiện đại theo tông màu trắng đỏ chủ đạo. Đây là địa điểm sống ảo nổi tiếng và yêu thích của rất nhiều thế hệ sinh viên.
Tòa giảng đường này mất tới 13 năm xây dựng và hoàn thiện. Sau khi đưa vào sử dụng, đây chính là một tổ hợp công trình vô cùng hoành tráng với những khu giảng đường lớn, thư viện cũng như khối nhà hành chính; tổng số lên tới 147 phòng chức năng, 6 phòng hội thảo, 96 phòng làm việc và 17 thang máy.
Hệ thống hành lang tròn hay phức hợp cầu thang "tuy 2 mà 1", kết hợp với giếng trời khổng lồ chính giữa tòa nhà. Cách hai màu đỏ trắng đan cài vào nhau cũng khiến toàn bộ công trình trở nên vừa độc đáo vừa ấn tượng.
Ngoài ra, mỗi phòng học đều trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, âm thanh chất lượng và điều hòa mát mẻ. Wifi luôn luôn được phủ kín trong và ngoài tòa nhà giúp phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên đạt hiệu quả tốt nhất.
Thêm vào đó, thư viện Phạm Văn Đồng của trường cung cấp cho sinh viên vô vàn đầu sách hay thuộc nhiều lĩnh vực để sinh viên có thể tự do tham khảo học tập. Những bạn đam mê check-in cũng bị mê tít bởi không gian sang chảnh và siêu hiện đại của thư viện trường.
NEU đào tạo rất nhiều ngành, điển hình như Kinh tế Quốc tế, Kế toán, Marketing, Thương mại điện tử, Kinh doanh thương mại, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị nhân lực, Luật, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Quản trị khách sạn, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng....
Sau khi tốt nghiệp NEU, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn nằm ở mức cao. Theo khảo sát, tỷ lệ sinh viên NEU tốt nghiệp năm 2021 ra trường có việc làm dao động trong khoảng 84,24%-97,73%. Nắm giữ "ngôi vương" tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của NEU là ngành Khoa học máy tính (97,73%), tiếp theo đó là Quản trị nhân lực (94,59%); Marketing (94,16%); Quản trị du lịch lữ hành (93,06%); Quản trị khách sạn (92,86%)...