Làng cổ hàng trăm năm tuổi
Nằm ở khu vực ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội hơn 30km về phía Tây Nam, làng cổ Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) mang đậm "hơi thở" giản dị, đơn sơ của làng quê Bắc Bộ xưa.
Đi trên con đường vào làng, du khách như lạc vào một bức tranh cổ tích đậm chất Việt với hình ảnh của cây đa, bến nước và vẻ chất phác của những người dân miệt mài lao động. Hai hàng phượng vĩ chạy dài bên cạnh một hồ nước nhỏ, đây tuy không phải là một khung cảnh mới mẻ nhưng lại góp phần mở ra một khoảng không gian dân dã, bình dị vốn rất tiêu biểu của làng quê Việt Nam.
Giống với những ngôi làng đã tồn tại từ hàng trăm năm trước, làng Yên Trường có rất nhiều những con ngõ nhỏ sâu hun hút, đan xen vào nhau. Một người dân sống lâu năm ở đây chia sẻ, du khách mỗi khi đến đây thường hay bị lạc vì trông ngõ nào cũng giống nhau, các căn nhà lại không có địa chỉ cụ thể. Người bên ngoài nếu muốn đến được nơi cần tìm thì phải liên hệ dân làng hỗ trợ.
Đặc biệt, chính giữa làng có một chiếc ao Ngõ Cống xanh ngát giúp điều hòa không khí, đem lại cảm giác mát mẻ cho người dân trong những trưa hè oi ả. Có một điều thú vị ít ai biết rằng, nhiều năm về trước người dân hai xóm An Ninh và Trung Tiến đã quyên góp tiền để cải tạo chiếc ao này thành bể bơi công cộng.
Không chỉ nổi tiếng bởi một vẻ đẹp thơ mộng, làng Yên Trường còn mang trong mình những kiến trúc, hiện vật lịch sử ý nghĩa, có giá trị. Nằm ở vị trí ngay đầu làng là Đình Yên Trường, nơi thờ đức thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh, đây là một công trình kiến trúc lâu đời và đã được chứng nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia từ lâu.
Ngôi làng của 99 miệng giếng cổ
Làng Yên Trường khiến nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi tới đây bởi đâu đâu cũng thấy có giếng nước. Đặc biệt, không có giếng nào bị khô cạn và vẫn đang được người dân sử dụng để sinh hoạt, kể cả dùng làm nước ăn. Những chiếc giếng kì lạ đều có điểm chung, không biết có từ bao giờ, cũng không có ai đào cả. Các cụ cao tuổi trong làng đã ngót 90 cho biết, khi sinh ra đã có giếng rồi.
Theo truyền thuyết các cụ trong làng kể lại, những giếng này là do điểm huyệt mà có. Một ông thầy đến điểm huyệt bằng bút lông 100 vị trí quanh làng với quan niệm đủ 100 dấu thì dân làng có người làm quan. Điểm đến cái thứ 99 thì bút bị tòe và vứt bút đi nên không đủ như ban đầu.
Lại có tích chuyện cho biết, những giếng này là 99 vết chân ngựa của Thánh Gióng nện xuống khi nước kiệu ngang qua mà thành.
Những nơi được điểm huyệt biến thành giếng nước từ khi nào không ai rõ và vì thế làng có 99 cái giếng. Giếng nào cũng được người dân lập ban thờ thần giếng.
Các giếng làng Yên Trường rất khác lạ, lòng giếng lồi lõm, méo vẹo như những hang động bằng đá ong chứ không tròn trịa bằng phẳng. Đây cũng chính là lí do để người dân tin rằng do thiên tạo mà có.
Dù theo huyền tích nào thì làng An Tràng xưa (nay là Yên Trường) có 99 giếng lớn nhỏ khác nhau, đến nay đã bị lấp dần bởi sự đô thị hoá. Giếng trong làng vẫn còn khá nhiều, dễ dàng bắt gặp nằm rải rác trên khắp các con đường làng, bên cạnh là một ban thờ nhỏ.
Đối với dân làng Yên Trường, giếng nước là linh thiêng, đều có các vị thần cai quản. Xưa người An Tràng ăn bằng nước giếng, đến nay dù có nước máy nhưng nhiều gia đình vẫn không thể bỏ được nguồn nước tự nhiên này. Giếng ở đây có tiếng là nước ngọt trong và tinh khiết nên nhiều người ở địa phương khác còn về đây lấy nước để làm tương.
Những nếp nhà cổ tạo nên dấu ấn riêng
Hiện nay, làng cổ Trường Yên vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà có niên đại lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nằm rải rác quanh làng. Điểm khác lạ của những ngôi nhà này nằm ở những viên đá ong vàng dùng để xây tường. Những viên gạch này có kích thước đồng đều, hình thù giống với các lỗ của tổ ong, cấu tạo chủ yếu bằng đất đá và có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, giúp nhà cửa thông thoáng mát mẻ vào mùa hè.
Đi kèm với vật liệu làm từ đá ong, những ngôi nhà cổ tại đây thường mang đặc trưng kiến trúc nhà vườn Bắc Bộ, với nhà 3 gian 2 chái và khoảng sân rộng trước mặt. Dẫu đã trải qua biết bao thăng trầm của của thời gian, những công trình kiến trúc tưởng chừng thô sơ này vẫn vô cùng vững chãi.
Bên cạnh đó, làng Trường Yên có một truyền thống vô cùng đặc biệt, mỗi khi con cháu trong nhà công thành danh toại sẽ xây dựng những ngôi nhà giả cổ để cho cha mẹ, ông bà làm nơi thờ tự, cúng bái tổ tiên. Truyền thống này không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn của con cháu đối với bậc sinh thành mà còn mang lại tinh thần hoài niệm, trân trọng văn hoá nguồn cội của cộng đồng người dân nơi đây.