Ngôi chùa nổi tiếng ở vùng 'đất võ, trời văn' của Việt Nam, sở hữu tượng Phật ngồi từng lớn nhất Đông Nam Á được tạo thành từ 7.600 mảnh ghép

Để đến được chánh điện, nơi đặt bức tượng Phật ngồi khổng lồ, khách tham quan phải đi bộ khoảng 600 bậc thang trải dài từ chân núi lên tới đỉnh núi.

Tại vùng đất được mệnh danh là "đất võ, trời văn" Bình Định, chùa Núi Ông là ngôi chùa nổi tiếng và lâu đời, từng được nhắc đến nhiều trong sử sách xưa. Ngày nay, ngôi chùa này là điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch hàng đầu tại địa phương với những giá trị tôn kính lâu đời và công trình hùng vĩ từng lớn Đông Nam Á.

Chùa Ông Núi (tên chữ Linh Phong thiền tự) có lịch sử hơn 300 năm, tọa lạc lưng chừng đỉnh Chóp Vung trên dãy núi Bà (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Chùa tọa lạc ở lưng chừng núi, nổi tiếng với bức tượng Phật quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Mia

Theo sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ 1702, có một người tên gọi Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo.

Tương truyền, hàng ngày, sư vào núi hái củi, bó thành bó to, đội củi xuống núi đặt bên vệ đường, người dân địa phương đem gạo, rau đổi lấy. Ông thường đem thuốc chữa bệnh cho dân khi có dịch bệnh xảy ra và đã cứu sống nhiều người.

Cổng tam quan của chùa được xây dựng lại với mái cổ lầu, lợp ống ngói. Ảnh: Sưu tầm

Người dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên là chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.

Năm 1733, chúa Nguyễn cho xây dựng nơi đây thành một ngôi chùa lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, chùa đã bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại phần bửu tháp và cổng tam quan. Năm 1990, chùa Ông Núi được xây dựng lại với mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc có lưỡng long tranh châu, đôi cột trụ trước điện khắc hình rồng cuộn.

Kiến trúc trang nghiêm bên trong chùa. Ảnh: Sưu tầm

Cuối tháng 8/2009, chùa được UBND tỉnh Bình Định và Giáo hội Phật giáo tỉnh triển khai xây dựng Dự án quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong.

Dự án gồm 6 hạng mục chính: Quảng trường Pháp Luân; Đường Hành lễ; Tượng đài Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật; Vườn tượng Phật; Chùa Linh Phong - Hang Tổ và Khu di tích lịch sử huyện ủy An Nhơn. Phải mất đến gần 9 năm công trình mới hoàn thiện.

Điểm nhấn của quần thể là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi. Được khánh thành vào tháng 11/2017, bức tượng này đã trở thành tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó.

Tượng có chiều cao 69m, riêng chân đế tượng Phật cao 15m và có đường kính 52m. Ảnh: Sưu tầm

Công trình có chiều cao 69m, bao gồm cả phần chân đế tượng cao 15m, toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép tại chỗ. Đức Phật ngự trên tòa sen, ở lưng chừng núi, trên độ cao 129m so với mặt nước biển, nhìn ra biển Đông, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất trong quần thể khu di tích.

Phần vỏ của bức tượng được chế tác bởi ông Nguyễn Duy Khắc, một nhà thiết kế thi công các tượng Phật nổi danh tại Bình Phước và đội thi công Công ty TNHH Điêu khắc và Cảnh quan môi trường xanh thi công và chế tác. Ảnh: Sưu tầm

Để hoàn thiện công trình, đội ngũ thi công đã sử dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm 5 máy CNC hiện đại và 3 máy phun G.R.C (hỗn hợp xi măng, cát, nước, phụ gia và sợi thủy tinh). Nhờ đó, các chi tiết trên tượng Phật được thể hiện tỉ mỉ, tinh tế, mang đến cảm giác sống động và nhẹ nhàng.

Với quy mô vô cùng lớn và hoành tráng, nơi đây đang dần trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Thầy Nhuận Tri Tiên Sinh

Để hoàn thành công trình, có tổng cộng gần 7.600 mảnh ghép (module) khác nhau với tiết diện mỗi mảnh ghép từ 1-2m2 được hoàn thành qua nhiều công đoạn sau đó ghép lại thành hình hài vỏ tượng, trong thời gian sản xuất và thi công gần 2 năm.

Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi uy nghi với màu trắng thanh tao nổi bật giữa không gian rộng lớn. Tượng Phật tọa lưng vào núi Bà, hướng mắt ra biển Đông, như đang che chở, bảo vệ cho mảnh đất và con người nơi đây.

Dưới chân tượng là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán, thư viện Phật giáo, bảo tàng Xá Lợi Phật, nơi mọi người đến đây để hành lễ, chiêm bái. Ảnh: VTC News

Nếu muốn đến được chánh điện, nơi đặt bức tượng Phật ngồi khổng lồ, khách tham quan phải đi bộ khoảng 600 bậc thang trải dài từ chân núi lên tới đỉnh núi Bà. Dọc theo đường hành lễ từ phía dưới lên đến bức tượng là 18 vị La hán được đúc như thật.

Hàng năm, vào ngày 24 và 25 tháng Giêng Âm lịch, hàng nghìn người dân, du khách, Phật tử đến chùa để dâng hương, cầu phúc. Lễ hội chùa Ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh.