Chùa Bửu Long hay còn gọi Thiền viện Tổ đình Bửu Long nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, lộng lẫy. Ngôi chùa có sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông ở khu vực Đông Nam Á với phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn ở Việt Nam, tạo nên dấu ấn đậm nét. Nhờ sự đặc sắc của mình, năm 2019, chùa Bửu Long được tạp chí Mỹ - National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới.
Thành lập năm 1942 nhưng mãi đến năm 2007, chùa Bửu Long mới được đầu tư xây dựng và trùng tu. Kiến trúc của chùa pha trộn nhiều nét văn hóa khác nhau, từ thời chúa Nguyễn của Việt Nam đến Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… Ngôi chùa nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Từ xa, du khách có thể nhận diện qua hình ảnh ngọn bảo tháp màu vàng rực rỡ, nổi bật trên nền trời.
Nhiều du khách nhận xét nơi đây khá độc đáo, giống với kiến trúc ở xứ sở chùa vàng nên người dân xung quanh gọi là chùa Thái Lan. Tuy nhiên, màu sắc văn hóa Việt Nam vẫn in đậm trong mọi ngóc ngách từ họa tiết chạm trổ đến các bức tượng rồng uy nghi. Chùa đón khách từ sáng đến 11 giờ, sau đó 14 giờ mới mở lại. Du khách nên tận dụng khoảng thời gian buổi sáng không khí mát mẻ, trong lành để có những hình ảnh check-in đẹp nhất.
Tổng diện tích khuôn viên thiền viện vào khoảng 11ha, bao gồm các công trình như Chánh điện, Tăng xá, Âm thất hay Trai đường. Diện tích rộng lớn ấy được phủ kín một màu xanh của cây cỏ, tạo nên một bầu không khí trong lành.
Khuôn viên được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh với hồ nước xanh ngọc, tĩnh lặng phía trước chánh điện. Hòa quyện cùng với kiến trúc chùa nơi đây tạo nên vẻ đẹp riêng làm say đắm lòng người.
Khi đến tham quan chùa Bửu Long, du khách sẽ vô cùng mãn nhãn trước vẻ đẹp mang kiến trúc lộng lẫy và bắt mắt, đó chính là bảo tháp Gotama Cetiya. Đây là bảo tháp có quy mô rất lớn có sức chứa trên 2.000 người vào cùng tham quan chiêm bái. Bảo tháp có ba tầng, được xem là bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Tòa bảo tháp Gotama Cetiya nằm nổi bật giữa khung cảnh thanh tịnh, có kiến trúc rất đặc biệt không giống với một ngôi chùa nào ở Việt Nam ta. Tòa Gotama Cetiya có 4 tháp bao quanh với độ cao 56m. Đây chính là bảo tháp chính của chùa Bửu Long.
Gotama Cetiya là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng, mang nét cổ kính của Phật giáo Ấn Độ thời đại vua Asoka. Đỉnh tháp còn có một chiếc chuông gió. Mỗi khi có gió thoảng qua, tiếng chuông gió ngân vang leng keng, khung cảnh sẽ càng trở nên thanh tịnh, yên bình.
Khi bạn đứng ở trên bảo tháp Gotama Cetiya sẽ nhìn thấy sông Đồng Nai ở phía xa xa. Ngoài ra còn cảm nhận được những làn gió mát nơi đây. Điểm nhấn ở tòa bảo tháp là được thiết kế chủ đạo bởi gam màu trắng. Hòa quyện với chóp vàng tạo nên một vẻ đẹp riêng mà không ngôi chùa nào có. Bạn sẽ cảm nhận được sự kết hợp này có hơi hướng Thái Lan.
Các chi tiết tại chùa Bửu Long dù chỉ là cổng chùa, các lối ra vào, những bậc thang, lan can hay trên tường chùa đều được thi công một cách cầu kỳ và tỉ mỉ, đan xen, lồng ghép khéo léo các nét Phật giáo nguyên thủy từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Ví dụ như lối vào chính điện là một cánh cửa lớn màu vàng đồng với những biểu tượng, hoa văn đậm nét Phật giáo được chạm trổ tinh xảo; hay lối dẫn vào chính điện với 2 con rồng 2 bên, đang ngậm ngọc và uốn lượn tạo nên phần lan can vô cùng uy nghi.
Vì nằm cách xa trung tâm thành phố, giữa núi rừng thiên nhiên thoáng đãng, ngôi chùa lớn luôn hòa hợp với cây cối xung quanh. Nơi đây được rất nhiều người lựa chọn làm điểm đến chay tịnh để ngồi thiền, hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn khung cảnh bình yên, tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống hối hả. Du khách thập phương có thể lên lầu cao và nhìn ngắm toàn cảnh chùa, nhưng phải tuân thủ quy định ăn mặc kín đáo, không mặc quần đùi và váy ngắn.
Được mệnh danh là ngôi chùa “không nhang khói”, du khách đến Bửu Long chỉ chiêm bái cầu nguyện chứ không thắp hương trong chùa như thường thấy. Nét nguy nga, linh thiêng của chánh điện chắc chắn sẽ chinh phục những tâm hồn yêu cái đẹp từ cái nhìn đầu tiên.