Trong tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Hóa học Mỹ đã công bố một nghiên cứu đáng chú ý về hóa chất chống cháy trong không khí cabin, có khả năng gây ung thư khi hít phải. Cụ thể, hóa chất được đề cập là tris (1-chloro-isopropyl) phosphate, thường gọi là TCIPP. Đây là chất phụ gia chống cháy được sử dụng trong bọt polyurethane, chủ yếu để sản xuất ghế ngồi cho ô tô trên toàn thế giới.
Nghiên cứu này đã theo dõi 155 người sử dụng ô tô sản xuất từ năm 2015 đến nay. Tổng cộng, có 101 mẫu thử được thu thập trong mùa đông và 54 mẫu trong mùa hè. Kết quả cho thấy 99% số xe tham gia nghiên cứu đều phát hiện sự hiện diện của TCIPP bốc lên từ ghế ngồi. Khi nhiệt độ trong cabin tăng, nồng độ TCIPP cũng tăng từ 2 đến 5 lần.
Mức TCIPP phát hiện trong không khí dao động từ 0,2 đến 11.600 nanogram mỗi gram khí (1 nanogram tương đương với 1 phần tỷ gram). Hiệp hội Hóa học Mỹ cho biết cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ mức độ nồng độ TCIPP có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, họ đã dẫn một báo cáo độc tính xuất bản vào năm 2023 cho thấy TCIPP có thể gây ung thư ở chuột, do đó nguy cơ đối với con người là có cơ sở.
Để giảm thiểu tác hại của TCIPP, Hiệp hội khuyến cáo người sử dụng xe nên mở cửa xe khi đỗ ngoài trời tại vị trí an toàn. Nếu không thể làm vậy, họ có thể sử dụng điều hòa ở chế độ gió ngoài hoặc mở cửa xe một lúc trước khi sử dụng trong những ngày nắng nóng để hạn chế nguy cơ tiếp xúc.