Nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 vào doanh nghiệp Việt Nam

(CL&CS) - Theo số liệu thống kê của của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy: Hàng năm, số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ), số vụ TNLĐ chết người, số người bị thương nặng có chiều hướng gia tăng. Điển hình Thông báo tình hình TNLĐ năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 972 vụ; Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 112 vụ; Số người chết: 1.039 người; Số người bị thương nặng: 1.939 người; Nạn nhân là lao động nữ: 2.667 người. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người do người sử dụng lao động chiếm 46,49%, do người lao động chiếm 18,42%, còn lại 35,06% là do các nguyên nhân khác.

Thiệt hại về vật chất rất lớn do TNLĐ xảy ra, ví dụ thiệt hại năm 2018 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 1.494 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 5,0 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 127.034 ngày, ... Trong thông báo đưa ra các giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Theo thống kê mới nhất, hiện có hơn 30.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên con số thực tế có thể cao gấp 10 lần. Nhiều doanh nghiệp cũng có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách, chế độ có liên quan, đồng thời tuyên truyền giáo dục cho người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống độc hại. Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật bảo hộ lao động và vệ sinh trong sản xuất hiện nay vẫn còn hạn chế. Những yếu tố độc hại vẫn còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bệnh nghề nghiệp. Do vậy để bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong quá trình lao động sản xuất và công tác, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ, cần có các biện pháp cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, trang bị bảo hộ lao động, ...

Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã và đang quản lý công tác an toàn - vệ sinh lao động của cơ sở mình thông qua việc tuyên truyền, phổ biến và áp dụng các chính sách, quy định về pháp luật lao động có liên quan, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, áp dụng các hệ thống, công cụ để nhận diện các mối nguy, đánh giá các rủi ro và kiểm soát tốt các biện pháp để ngăn ngừa các rủi ro về ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp, ví dụ việc áp dụng tiêu chuẩn OHSAS 18001 hoặc phương pháp KY (viết tắt của Kizen và Yochi, nghĩa là “Dự đoán các tình huống nguy hiểm” - Hiệp hội An toàn và vệ sinh lao động công nghiệp Nhật Bản, ... Tuy nhiên, công tác đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để đưa ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ và mang tính hệ thống hoặc theo một phương pháp, tiêu chuẩn tiên tiến được thế giới thừa nhận.

ISO 45001 là một tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu  đối với hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (ATSKNN), cùng với hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn nhằm cho phép doanh nghiệp chủ động cải tiến kết quả hoạt động ATSKNN của mình trong việc ngăn ngừa chấn thương và bệnh tật. Tiêu chuẩn này được thiết kế để áp dụng cho bất kỳ tổ chức bất kể quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh. ISO 45001 dựa trên hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp sẽ cho phép tổ chức cải thiện kết quả hoạt động ATSKNN của mình bằng cách:

1. Xây dựng và thực hiện chính sách và mục tiêu của an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp;

2. Thiết lập các quá trình có hệ thống xem xét "bối cảnh" của tổ chức và có tính đến các rủi ro và cơ hội, các yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác;

3. Xác định các mối nguy và rủi ro ATSKNN gắn với các hoạt động của tổ chức; tìm cách loại bỏ chúng, hoặc  kiểm soát để giảm thiểu tác động tiềm ẩn;

4. Thiết lập các kiểm soát vận hành để quản lý các rủi ro ATSKNN cũng như các yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác;

5. Nâng cao nhận thức về các rủi ro ATSKNN của doanh nghiệp;

6.  Đánh giá kết quả hoạt động ATSKNN và tìm cách cải tiến kết quả hoạt động đó thông qua các hoạt động thích hợp;

7. Đảm bảo người lao động có vai trò chủ động trong các vấn đề ATSKNN

Việc kết hợp các biện pháp này sẽ đảm bảo tăng cường danh tiếng của doanh nghiệp như là một nơi làm việc an toàn, và có thể có nhiều lợi ích trực tiếp hơn, chẳng hạn như:

1. Cải thiện khả năng đáp ứng với các vấn đề về tuân thủ pháp luật;

2. Giảm chi phí về tai nạn;

3. Giảm thời gian chết và chi phí gián đoạn hoạt động;

4. Giảm chi phí bảo hiểm;

5. Giảm sự vắng mặt và tỉ lệ biến động lao động;

6. Thừa nhận đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, từ 2017-2019 Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 vào doanh nghiệp Việt Nam”.

Nhiệm vụ bao gồm hai phần chính đó là hoạt động áp dụng thí điểm nhiệm vụ cho 5 doanh nghiệp và hoạt động nhân rộng áp dụng nhiệm vụ cho 15 doanh nghiệp trên toàn quốc. Hoạt động áp dụng thí điểm bắt đầu từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018 và hoạt động nhân rộng được thực hiện trong năm 2019. Để đánh giá kết quả, hiệu quả áp dụng thí điểm tại 5 doanh nghiệp áp dụng thí điểm Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo ISO 45001 và chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác xây dựng nhân rộng ISO 45001 cho 15 doanh nghiệp trong năm 2019, đơn vị chủ trì đã tổ chức thành công hội thảo tổng kết hoạt động áp dụng thí điểm nhiệm vụ nêu trên. Tham dự hội thảo có đại diện các doanh nghiệp áp dụng thí điểm và nhân rộng ISO 45001, các chuyên gia, giảng viên về an toàn sức khỏe nghề nghiệp và đại diện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác tại Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Tại Hội thảo, các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu về các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, được trao đổi, chia sẻ các nội dung thực hiện, các lợi ích có được, đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn và những khó khăn, thuận lợi liên quan đến việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018.

Bà Ngô Thị Như Loan –Phó Giám đốc QUATEST 2 phát biểu tại hội thảo

Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ hoạt động áp dụng thí điểm tiêu chuẩn ISO 45001, năm 2019 QUATEST 2 tiếp tục hoạt động nhân rộng nhiệm vụ cho 15 doanh nghiệp trên ba miền của đất nước. Các doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ đã phối hợp chặt chẽ với QUATEST 2 trong quá trình triển khai thực hiện các hạng mục công việc tại đơn vị mình.

Những thuận lợi khi triển khai nhiệm vụ là các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp sau khi cam kết tham gia dự án đều nhận thức rõ tầm quan trọng của ATSKNN, rất quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện hệ thống, hoàn thiện bộ phận ATVSLĐ/Ban HSE đã thực hiện các chức năng theo quy định của pháp luật, xác định trách nhiệm và quyền hạn có liên quan, bố trí sắp xếp cán bộ nhân viên chuyên trách hoặc chịu trách nhiệm về ATVSLĐ, cung cấp các trang thiết bị cần thiết phục vụ ATVSLĐ, các văn bản pháp luật về ATVSLĐ cơ bản được doanh nghiệp tuân thủ, … Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có nền tảng quản lý các hoạt động thông qua các tiêu chuẩn như ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001, 5S, …và lực lượng chuyên gia đào tạo, hướng dẫn có kiến thức và kinh nghiệm về hệ thống quản lý ATSKNN.

 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và áp dụng các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn như: Kế hoạch SXKD của doanh nghiệp ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hệ thống; Phân công nhân sự chưa đảm bảo về số lượng và năng lực theo yêu cầu; Nhận thức của người lao động về ATSKNN chưa đầy đủ và đồng bộ; Nhân viên chuyên trách ATVSLĐ còn kiêm nhiệm nhiều việc khác; Chi phí đầu tư để cải tiến tốt hơn công tác ATVSLĐ còn hạn chế; Việc tự kiểm tra định kỳ về ATVSLĐ chưa được thực hiện đầy đủ; Cập nhật và duy trì kiến thức về văn bản pháp luật về ATSKNN chưa được thường xuyên; Tiêu chuẩn mới ban hành nên việc hiểu và thực hiện các yêu cầu còn bỡ ngỡ, …

Do nhiều lý do khách quan từ thực tế của doanh nghiệp, thời gian triển khai dự án còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp mới bắt đầu áp dụng nên việc áp dụng ISO 45001 ban đầu đã mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp mà trước đây doanh nghiệp chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ:

- Hiệu quả về khoa học và công nghệ: Doanh nghiệp đã chứng tỏ được khả năng quản lý các rủi ro, cơ hội và cải tiến kết quả thực hiện về ATSKNN, ngăn ngừa thương tật và đau ốm liên quan tới công việc và cung cấp nơi làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe. Điều quan trọng là loại bỏ mối nguy và giảm thiểu các rủi ro ATSKNN bằng việc thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa có hiệu lực.Doanh nghiệp đảm bảo việc thực hiện và giám sát ATSKNN theo đúng yêu cầu của luật định, chế định về ATVSLĐ, nhất là các quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ tương ứng. Thông qua đó, DN chủ động đáp ứng các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác, phòng tránh các rủi ro về pháp lý và các khiếu nại về ATVSLĐ góp phần phát triển bền vững và yên tâm SXKD để phát triển và nâng cao hiệu quả.

- Hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường: Doanh nghiệp nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu luật định và các yêu cầu khác về quản lý ATSKNN;Yên tâm SXKD, tránh tình trạng đối phó về quản lý ATSKNN;Giảm thiểu tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các rủi ro, giảm chi phí hành chính, bị xử phạt về an toàn, vệ sinh lao động, …; Giảm chi phí tổng thể của sự cố;Giảm thời gian chết và chi phí gián đoạn hoạt động;Giảm chi phí bảo hiểm;Giảm sự vắng mặt và tỉ lệ luân chuyển lao động; ...Góp phần vào sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.

- Các kết quả thực hiện của Hệ thống quản lý ATSKNN:

+ Các hoạt động quản lý ATSKNN được hoạch định, thực hiện và kiểm soát một cách bài bản và có hệ thống, đáp ứng được yêu cầu pháp luật, yêu cầu của ISO 45001, yêu cầu của các bên quan tâm khác và yêu cầu thực tiễn của chính doanh nghiệp.

+ DN đã cơ bản xác định các vấn đề bên ngoài, vấn đề nội bộ, nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm có liên quan và tác động đến HTQL ATSKNN.

+ Việc nhận diện và đánh giá các rủi ro và cơ hội về ATSKNN và liên quan đến hệ thống được thực hiện đồng bộ và nhất quán.

+ Đã phân tích an toàn công việc, xác định các mối nguy an toàn và sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, kể các hoạt động văn phòng.

+ Thực hiện đánh giá rủi ro từ các mối nguy về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp.

+ Thực hiện đầy đủ các yêu cầu luật định và các yêu cầu khác về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; do đó  không có tình trạng đối phó về hoạt động quản lý ATSKNN.

+ Giảm thiểu tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các rủi ro về ATSKNN.

+ Không tốn hoặc giảm thiểu chi phí hành chính, bị xử phạt về an toàn lao động – vệ sinh lao động, …

+ Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động SXKD nhằm xác định mức độ áp dụng các yêu cầu về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp do đó không để xảy ra hoặc giảm thiểu sự cố, không có thời gian chết và không tốn chi phí gián đoạn hoạt động.

+ Hệ thống thông tin dạng văn bản (tài liệu, hồ sơ) được thiết lập đầy đủ nhằm hỗ trợ cho quá trình thực hiện, kiểm soát các quy định của hệ thống ATSKNN.

+ Mang lại niềm tin cho người lao động và các bên quan tâm khác.

+ Người lao động yên tâm trong các hoạt động công việc của mình vì họ được bảo vệ, được quan tâm nên hầu như ít có sự vắng mặt, nghỉ việc, …

+ Lãnh đạo yên tâm trong hoạt động SXKD của mình, quản lý một cách hiệu quả hoạt động sản xuất liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và góp phần vào sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của của đơn vị mình.

+ Người lao động: Nắm rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc và khi thực hiện công việc do mình nó sẽ tác động như thế nào đối với an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Từ đó nâng cao nhận thức cho người lao động về việc áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.

Việc thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và áp dụng HTQL ATSKNN theo ISO 45001 là thật sự cần thiết và phù hợp với thực trạng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này đáp ứng được tổng thể các yêu cầu về quản lý an toàn lao động, vệ sinh và môi trường làm việc, sức khỏe người lao động, …một cách hiệu quả nhất và là tiền đề để tiếp tục nhân rộng nhiệm vụ cho các doanh nghiệp, loại hình sản xuất kinh doanh tương tự khác trong cả nước.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về an toàn vệ sinh lao động nói chung, an toàn – sức khỏe nghề nghiệp nói riêng, hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững, đảm bảo mọi người an toàn hơn và khỏe mạnh hơn và góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đề nghị tiếp tục nhân rộng việc áp dụng Hệ thống quản lý ATSKNN theo ISO 45001 cho các loại hình doanh nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động./.

Lê Văn Đức, Trung tâm KT Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng 2 (Quatesst 2)

 

  Nên đọc