Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới năm 2021 sẽ tập hợp phong trào người tiêu dùng toàn cầu, cũng như nhiều đối tác khác, nhằm tăng cường tiếng nói của người tiêu dùng về việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa. Chiến dịch này sẽ nâng cao nhận thức và thu hút người tiêu dùng trên toàn cầu áp dụng và thúc đẩy các thực hành bền vững hơn. Dựa trên chủ đề năm ngoái là "Người tiêu dùng bền vững", chiến dịch cũng sẽ tập trung vào vai trò trung tâm mà những đối tác ủng hộ người tiêu dùng, chính phủ và doanh nghiệp có thể thực hiện trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Nhựa là một vật liệu rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đã và đang ngày càng trở nên không bền vững, gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường, bao gồm ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và đa dạng sinh học.
Báo cáo của tổ chức Pew Charity Trusts & SYSTEMIQ về “Phá vỡ làn sóng nhựa”, phát hành vào tháng 8 năm 2020, đã cho thấy rằng theo tính toán của các nhà khoa học dòng chảy vật liệu nhựa ra đại dương sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040 nếu không có những thay đổi lớn về chính sách và thay đổi trong hành vi. Hãy điểm qua một số số liệu đáng báo động sau đây:
• Đến năm 2050, người ta ước tính rằng sẽ có nhiều nhựa trong các đại dương hơn cá;
• 100.000 động vật có vú và rùa biển và 1 triệu loài chim biển bị chết do ô nhiễm nhựa tại biển hàng năm;
• Ước tính có khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào đại dương của chúng ta mỗi năm;
• Nhựa sử dụng một lần chiếm 50% lượng nhựa được sản xuất hàng năm;
• Một nửa tổng số nhựa từng được sản xuất đã được sản xuất trong 15 năm qua;
• 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng.
Ngăn chặn ô nhiễm nhựa là một thách thức toàn cầu đòi hỏi thực hiện các giải pháp phối hợp quốc tế. Với tư cách là một phong trào tiêu dùng toàn cầu, các thành viên CI có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này và thúc đẩy việc tiêu thụ và sản xuất nhựa một cách bền vững.
Người tiêu dùng ngày càng quan ngại về ô nhiễm nhựa và đã hành động. Một nghiên cứu toàn cầu vào năm 2019 cho thấy có phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với rác thải nhựa (với 82% người được hỏi sử dụng dụng cụ vệ sinh có thể tái sử dụng thay vì các loại bằng nhựa sử dụng một lần, 72% mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm và 62% sử dụng chai nước uống có thể dùng lại) và mặc dù việc sử dụng nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng trong thời kỳ đại dịch, 55% người tiêu dùng trên toàn cầu hiện đã trở nên quan tâm hơn đến môi trường do COVID-19 và gần 74% người tiêu dùng (ở Châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ) sẵn sàng chi nhiều hơn cho bao bì bền vững.
Sự thay đổi thị trường có hệ thống là cần thiết ở tất cả các cấp từ chính phủ, doanh nghiệp và các nhà thiết lập tiêu chuẩn để làm cho việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa và tiêu dùng bền vững trở thành sự lựa chọn dễ dàng cho người tiêu dùng.
Các Thành viên của CI được yêu cầu tham gia với người tiêu dùng và các đối tác để thúc đẩy các thực hành bền vững hơn, sử dụng Mô hình Chu trình Quản lý Chất thải 7R (Rethink-suy nghĩ lại, Refuse- từ chối, Reduce-giảm thiểu, Reuse-tái sử dụng, Recycle-tái chế, Repair-sửa chữa và Replace-thay thế).
Các thành viên CI có thể chia sẻ các hoạt động hoặc bình luận của mình về chủ đề ô nhiễm nhựa với các đối tác của CI bằng cách sử dụng các hashtags “#SustainableConsumer” và “#NoPlasticPollution” của CI trên các phương tiện truyền thông xã hội.