Trong quý 1/2022, VPBank đã đạt ngôi vị quán quân về lợi nhuận trước thuế trong ngành ngân hàng lẫn các doanh nghiệp niêm yết với 11.146 tỷ đồng, tăng 7.140 tỷ đồng, tương đương 178,2% so cùng kỳ năm trước (YoY). Đây cũng là ngân hàng trong top về lợi nhuận có mức tăng trưởng lên đến ba chữ số.
Sự bứt phá của VPBank khiến Vietcombank mất ngôi vị quán quân sau nhiều năm nắm giữ. Vietcombank chỉ đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% YoY.
Những ngân hàng có lợi nhuận trước thuế xếp ở những vị trí tiếp theo là Techcombank (6.785 tỷ đồng), MB (5.910 tỷ đồng), VietinBank (5.822 tỷ đồng), BIDV (4.514 tỷ đồng), ACB (4.114 tỷ đồng), SHB (3.227 tỷ đồng)…
Những vị trí cuối bảng về lợi nhuận vẫn là sự góp mặt quen thuộc của các ngân hàng có quy mô nhỏ nhất thị trường như NCB (25 tỷ đồng), Vietbank (113 tỷ đồng), PGBank (127 tỷ đồng), KienLongBank (127 tỷ đồng), Saigonbank (154 tỷ đồng), Viet Capital Bank (174 tỷ đồng), Bac A Bank (246 tỷ đồng), VietABank (339 tỷ đồng).
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Eximbank dẫn đầu với mức tăng 277,8% YoY. Kế đó là VPBank (178,2%); VietABank (171,1%). Đây là ba ngân hàng có mức tăng lợi nhuận trên ba chữ số.
Ở chiều ngược lại có 5 ngân hàng có mức tăng trưởng âm. Đó là KienLongBank (-81,9%), OCB (-34,5%), VietinBank (-27,8%), Vietbank (-8,8%) và NCB (-5,7%).
Nguyên nhân khiến lợi nhuận của KienLongBank tụt dốc không phanh là do quý 1/2021, ngân hàng này có phát sinh khoản thu nhập đột biến từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo phương án tái cơ cấu lại KienLongBank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Còn OCB cho rằng lợi nhuận giảm do lãi thuần từ mua bán chứng khoán giảm mạnh 69,2% YoY khi thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ có nhiều biến động; chi phí hoạt động tăng 26,7% YoY do phát triển nhân sự, đầu tư công nghệ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 127% YoY.