Năm nay, ngay từ đầu niên vụ, phần lớn các nhà máy trong nhóm 16/40 nhà máy sản xuất đường còn hoạt động, đều tranh thủ “đặt hàng” thu mua mía nguyên liệu phục vụ ép từ phía người nông dân trồng mía. Giá mua mía tại ruộng của các nhà máy cũng đã tăng khoảng 15-20% so với giá mua mía niên vụ trước. Tuy nhiên, những thuận lợi này dường như không thể làm bức tranh ngành mía đường trở nên sáng màu hơn.
Lại thêm một năm khó khăn của ngành mía đường (!?)
Giá thu mua mía tại ruộng năm nay tăng, thế nhưng người nông dân trồng mía hưởng lợi từ việc này lại giảm – do không thể “cầm cự” với nghề trồng mía những năm qua.
Chia sẻ về chuyện cây mía mình gắn bó nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Vinh – nông dân trồng mía tại Tây Ninh – cho biết, có thời gian cây mía giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống. Nhưng từ năm 2016, đường nhập lậu Thái Lan tràn vào thị trường khiến giá đường giảm mạnh, giá mía thu mua tại ruộng cũng giảm sâu. Chưa kể, chi phí trồng mía lại tăng vọt gây ra sức ép lớn cho người nông dân.
Cây mía không còn tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, người nông dân trồng mía không thu được lãi, thậm chí là lỗ vốn, buộc phải giảm diện tích trồng mía hoặc bỏ đất hoang. Nhiều trường hợp phải bỏ xứ đi làm thuê hoặc không có công ăn việc làm ổn định, bà Vinh nói.
Hệ quả tất yếu của việc sinh kế của nông dân trồng mía không được đảm bảo là diện tích mía ở nhiều địa phương ngày càng sụt giảm mạnh, nhiều nông dân đã rời bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính (bên cạnh yếu tố mùa vụ, thiên tai…) khiến sản lượng mía niên vụ năm nay sụt giảm. Con số thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho thấy, sản lượng mía ép niên vụ này tổng cộng dự kiến chỉ đạt khoảng 5,5 triệu tấn, ước tính sản xuất ra 600.000 tấn đường và hết vụ sớm vào 30/04/2021.
Sản lượng mía ép thiếu hụt năm nay sẽ tiếp tục là cơn “ác mộng” với các nhà máy khi không đủ nguyên liệu để hoạt động. Theo VSSA, các nhà máy như nhà máy Sóc Trăng, nhà máy Cần Thơ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nhà máy An khê, nhà máy Phú Yên, nhà máy đường 333 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên… đều kết thúc vụ vào giữa tháng 4/2021.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 600 nghìn tấn (-34% so với niên vụ trước). Tuy nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu, nhưng không đáng lo do phần còn lại sẽ được bù đắp, bởi: Đường luyện ngoài vụ từ đường thô nhập khẩu; đường lậu, tuy kỳ vọng giảm, nhưng vẫn tiếp diễn và đường nhập khẩu chính ngạch chịu thuế.
Cũng theo SSI, cạnh tranh với đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan trở nên gay gắt bắt đầu từ Q2/2020, sau khi ATIGA có hiệu lực kể từ đầu năm 2020. Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,29 triệu tấn, tăng 330% so với cùng kỳ (tổng nhập khẩu 1,5 triệu tấn), trong đó có 509 nghìn tấn đường thô và 720 nghìn tấn đường luyện.
Trong khi đó, đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan năm 2019 chỉ khoảng 157 nghìn tấn, chủ yếu là đường thô được nhập về để tinh luyện.
Để bảo hộ ngành mía đường trong nước, mới đây (ngày 9/2/2021) Bộ Công Thương ký quyết định số 477/QĐ-BCT về việc Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) với các mặt hàng đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế với đường tinh luyện là 48,88% và đường thô là 33,88%.
Có thể thấy, quyết định này đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường Việt ở thị trường nội địa, cộng với việc giá đường, nhu cầu đường thế giới liên tục tăng thời gian qua đã giúp các nhà sản xuất, nông dân “hồi sinh” và mở ra tương lai triển vọng cho ngành mía đường Việt. Tuy vậy, chính hàng rào thuế nâng cao dẫn đến đường lậu tràn vào, đường lậu chủ yếu qua đường biên giới Quảng Trị và Tây Nam, nhiều nhất là khu vực An Giang, Long An, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Quảng Trị, Hà Tĩnh…
Bên cạnh đó, tình trạng đường cát nhập lậu cũng xuất hiện qua một số địa phương khu vực miền Trung và đường biển ở các địa phương như Hải Phòng, Thái Bình.
Ngành đường lại đối diện với nguy cơ mới
Tháng 1/2021, ngành đường Việt Nam ghi nhận hiện tượng đặc biệt khi số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam đã cho thấy tình trạng gia nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) gia tăng mạnh so với thời gian trước khi có quyết định điều tra. Mức giá nhập khẩu từ 5 quốc gia này đều chỉ tương đương hoặc thấp hơn giá đường Thái Lan cùng kỳ. Như vậy tác hại của các loại đường này đối với ngành sản xuất trong nước cũng hoàn toàn gây thiệt hại nghiêm trọng tương tự như đường nhập khẩu từ Thái Lan.
“Trong tháng 2/2021 chúng tôi chưa có số liệu của Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy các yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam đối với các loại đường có xuất xứ từ 5 quốc gia nêu trên vẫn rất cao bất chấp giá tăng trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký VSSA thông tin.
Cũng theo ông Lộc, cả 5 quốc gia nói trên đều là những quốc gia sản xuất không đủ đường cho thị trường nội địa và phải nhập khẩu đường khối lượng lớn với xuất xứ từ Thái Lan. Đáng chú ý, Malaysia là nước không trồng mía, chỉ có một số nhà máy tinh luyện, tuy nhiên, thời gian qua, nước này có lượng đường lớn xuất khẩu sang Việt Nam.
Tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu gia tăng tần suất hoạt động khi giá đường bắt đầu phục hồi dưới tác dụng của hàng rào thuế CBPG và CTC. Theo đó, việc giao dịch đường nhập lậu càng trở nên kín kẽ và thận trọng hơn hẳn trước đây.
“Chỉ cần tem phụ (không thể truy xuất thông tin) dán lên bao đường nước ngoài đi kèm hóa đơn là đường lậu có thể thoải mái lưu thông mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được”, ông Lộc dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Đàm Thanh Thế – Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, các đối tượng buôn lậu mặt hàng đường thời gian gần đây thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và liên tục biến hóa… gây nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý. Thậm chí, các đối tượng còn thường xuyên sử dụng thủ đoạn “hô biến” đường lậu thành đường xuất xứ Việt Nam bằng cách bỏ bao bì của nước sản xuất, đóng nhãn mác Việt Nam.
Để đấu tranh với tình trạng nhập lậu đường, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Theo đó, hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu. Đồng thời, yêu cầu tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm…
Trước những khó khăn của ngành mía đường liên tục tiếp diễn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những cơ hội lớn thì thách thức với các ngành hàng là không hề nhỏ. Vì thế, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
“Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh. Những trường hợp thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải”, ông Doanh nhấn mạnh.