Ngành khoa học và công nghệ đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

(CL&CS) - Những kết quả đạt được trong năm 2024 đã khẳng định rõ hơn vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Việt Nam.

Nhiều dấu ấn nổi bật

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 30/12, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2024, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.

Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư…

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024.

Được biết, trong năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy nhanh tiến độ triển khai 23 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; phê duyệt và tổ chức triển khai mới 2 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ đã góp phần giải quyết một số vấn đề về vật liệu, công nghệ trong xây dựng, bảo trì đường bộ như: Nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông, xây dựng; các tiêu chuẩn mới về thiết kế kết cấu mặt đường mềm, thiết kế xử lý nền đất yếu...

Trong khoa học y - dược, đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn. Làm chủ công nghệ và sản xuất đáp ứng 11/12 vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án hợp tác từ các tập đoàn lớn như: Samsung, Intel và NVIDIA, trong đó, Việt Nam và NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam…

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, cho biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án Luật trong năm 2025, gồm: Dự án Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025, và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.

Đồng thời, phát triển mạnh nhân lực khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển.

Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới… Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác…

TIN LIÊN QUAN