Kỳ vọng vào thị trường Mỹ và EU
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, ngay trong đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kim ngạch ở mức rất cao là 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021. Trong lịch sử xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong "top 3" nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may). Điều này cho thấy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng đóng góp lớn hơn vào xuất khẩu chung của cả nước.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Dự báo xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD trong năm 2022; trong đó, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sẽ đạt 16 -16,8 tỷ USD.
Lạc quan hơn, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập cho biết, năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ từ 17,5-18 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ USD; đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD; dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ USD và gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Đặc biệt các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất - ngoại thất), có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ quốc tế về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.
Ông Đỗ Xuân Lập rất kỳ vọng vào thị trường Mỹ và EU, có thể tăng đơn hàng do thị trường khu vực này đang phục hồi tốt.
Các hiệp định thương mại tự do đang tác động rất thuận cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Trong khi với thị trường Mỹ vốn đã xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, dư địa xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn rất lớn, khi đây là thị trường đang có nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất cao.
Việt Nam cũng là 1 trong 2 thị trường (Trung Quốc và Việt Nam) cung cấp chính đồ nội thất phòng khách và phòng ăn cho Canada. Trong năm 2022, nhu cầu đối với các mặt hàng này của Canada dự báo vẫn tiếp tục ổn định.
Bởi vậy, Viforest nhận định ngành gỗ có nhiều yếu tố hỗ trợ từ phía thị trường để tăng xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là các thị trường Mỹ, EU. Và có thể vượt mục tiêu mà Tổng cục Lâm nghiệp đề ra.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng, khi giao thương kết nối, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh sẽ kích thích nhu cầu thị trường cho các sản phẩm mới và các sản phẩm có giá trị cao.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung vào các dòng sản phẩm đem lại giá trị cao và các thị trường mục tiêu, với kỳ vọng thị trường Mỹ và EU có thể tăng đơn hàng trong năm 2022 do sức mua trên các thị trường này đang phục hồi tốt.
“Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế”, ông Phương khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do UKVFTA thì xuất khẩu gỗ vào thị trường Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngành gỗ vẫn có lợi ở dòng sản phẩm truyền thống là "home furniture".
Còn thị trường Trung Đông có triển vọng với đồ gỗ cho các công trình thương mại khi ngành du lịch phục hồi.
Áp lực vì chi phí cao
Theo Viforest thì hiện rất nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng đến hết quý 2 năm nay, tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu cả năm.
Theo ông Lập thì ngay khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đợt dịch thứ 4, các doanh nghiệp hội viên Viforest mới có đơn hàng mới dồi dào. Tuy nhiên những vấn đề cũ chưa giải quyết được, thậm chí còn căng thẳng hơn. Đó là tình trạng chi phí logistics, giá container và nguyên vật liệu đang giữ ở mức cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hoàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp.
Nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước cung cấp chính đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguồn cung hoặc gián đoạn chuỗi cung, đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc nhận đơn hàng mùa mới. Các nhóm hàng vật tư, phụ kiện như ốc vít, pát, thanh trượt, hóa chất, bao bì vừa tăng giá vừa khan hiếm nguồn cung.
Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, với chiến lược của Chính phủ trong việc hình thành một đội tàu vận tải quốc tế và chủ động sản xuất container trong nước thì lâu dài ngành gỗ cũng như các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam không còn quá lệ thuộc, bị động với logistics.
Cùng với đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng cộng đồng các doanh nghiệp ngành chế bến, xuất khẩu gỗ xác định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu gỗ, tránh gian lận thương mại.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI mang tính rủi ro cao cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam thì trong thời gian tới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng cho khách hàng sao cho thuận lợi nhất, rút kinh nghiệm từ việc ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, ông Lập cho rằng, việc đóng hàng hóa cồng kềnh, tốn diện tích container, làm tăng cước phí vận chuyển... sẽ thay bằng hình thức đóng rời từng bộ phận để có thể linh hoạt ứng phó các tình huống giá cước vận chuyển tăng cao hoặc tình trạng thiếu container rỗng cho vận chuyển hàng hóa giao cho các nhà nhập khẩu quốc tế.